Đầu năm 2015, ông Đông là chuyên viên cấp cao ngành tài chính, 43 tuổi, ngụ phố Lê Văn Lương, Hà Nội mang số vốn khá lớn đầu tư vào bất động sản TP HCM. Nhà đầu tư này gom 2 căn hộ cao cấp ở Phú Mỹ Hưng (quận 7) và một căn nhà phố mặt tiền quận 3 với tổng số tiền 20 tỷ đồng. Ông tiết lộ vì tất cả đều là nhà có thể vào ở ngay nên từ quý II/2015, tiền cho thuê khối tài sản này thu được 8.000 USD một tháng.
Ông Đông phân tích, sau khi khảo sát thị trường Hà Nội suốt năm 2014, nhận thấy dùng số tiền này mua bất động sản thủ đô cùng lắm chỉ tậu được một căn nhà phố gần khu trung tâm và một căn hộ cao cấp. Ước tính nguồn thu từ việc cho thuê 2 căn này tại Hà Nội cũng khá thấp, tầm 3.000-4.000 USD một tháng là hết cỡ, chỉ bằng một nửa lợi tức cho thuê tại TP HCM.
Vì lý do này, ông mạnh dạn gom tất cả vốn liếng đổ vào miền Nam. "Một điểm nữa khiến tôi đặt cược vào bất động sản Sài Gòn là tính thanh khoản cao. Do thị trường TP HCM có quy mô lớn hơn và sôi động hơn nên dễ mua, dễ bán, dễ cho thuê", ông giải thích.
Trong khi đó, ông Tuân (đã về hưu) ngụ ở quận Hai Bà Trưng kể lại trải nghiệm đầy tiếc nuối khi chần chừ bán nhà ở thủ đô để dịch chuyển tài sản từ Hà Nội vào miền Nam. Năm 2001, ông Tuân kêu bán căn nhà một trệt hai lầu (khu đất rộng 4m, dài 20m) đường Lạc Trung, Hà Nội được định giá gần 7 tỷ đồng. Vào thời đó, số tiền này đủ mua được 3 căn nhà phố tại Phú Mỹ Hưng với thời giá 3 triệu đồng mỗi m2. Tuy nhiên khi đi khảo sát thực tế, do nhận thấy quận 7 vẫn còn vắng vẻ so với trung tâm Sài Gòn, ông Tuân kiên quyết giữ lại căn nhà ở thủ đô.
Đến năm 2013, tức 12 năm sau, căn nhà phố Lạc Trung được bán với giá xấp xỉ 12 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2001. Thế nhưng với số tiền này, để mua một căn nhà phố tại Phú Mỹ Hưng phải bù thêm chút ít vì giá đất tại đây đã tăng từ 3 triệu đồng mỗi m2 lên thành 60-70 triệu đồng một m2. "Mỗi lần nhớ lại thương vụ vuột mất 3 căn nhà phố đó (hiện có giá vài chục tỷ đồng) tôi đều không ngăn được cảm giác tiếc rẻ. Tôi không ngờ bất động sản Sài Gòn có tỷ suất sinh lời cao hơn Hà Nội đến vậy", ông Tuân chia sẻ.
Tuy nhiên, nhà đầu tư này tiết lộ, ông vẫn cảm thấy an ủi vì năm 2013 bán xong căn nhà ở Hà Nội thu về 12 tỷ đồng, ông đã gom được 4 lô đất tại quận 9, TP HCM và một căn hộ cao cấp ở quận 2 để cho thuê. "Hiện nay bất động sản khu Đông Sài Gòn đang sôi động nhờ các tuyến đường cao tốc, vành đai, metro. Tôi nghĩ tuy muộn nhưng mình vẫn còn may mắn để thử cơ hội đầu tư địa ốc thứ hai tại Sài Gòn", ông nói.
Thống kê của sàn địa ốc Khải Hoàn, hơn 4 tháng qua, cứ 100 người tìm hiểu bất động sản thì có 30 khách từ Hà Nội vào, 30 trường hợp kế tiếp là người gốc Bắc định cư tại Sài Gòn. 40 khách hàng còn lại là người TP HCM và các tỉnh phía Nam quan tâm dự án. "Từ quý I/2015 đến nay, làn sóng Nam tiến của khách hàng Hà Nội có xu hướng tăng nhiệt", Chủ tịch Công ty Khải Hoàn Land, Nguyễn Khải Hoàn cho biết.
Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, Trần Khánh Quang cho biết, qua khảo sát thực tế hướng đầu tư bất động sản từ Hà Nội vào Sài Gòn là 100, thì chiều ngược lại từ Sài Gòn ra Hà Nội chỉ đạt dưới 5%. Các khu vực Thảo Điền, Phú Mỹ Hưng, Saigon Pearl, The Manor tập trung 15-40% người Hà Nội hoặc gốc Bắc. Trong 7 năm bất động sản khủng hoảng, làn sóng Nam tiến của nhà đầu tư Hà Nội nhạt dần. Thế nhưng từ cuối năm 2014 và đầu năm 2015 lượng giao dịch của giới đầu tư từ thủ đô vào TP HCM đã tăng trở lại.
Ông Quang phân tích, có nhiều nguyên nhân khiến cho nhà đầu tư Hà Nội chuộng bất động sản TP HCM. Thứ nhất là khí hậu Sài Gòn dễ chịu hơn, kế đến là dân số và quy mô đô thị lớn hơn. Thứ ba, Sài Gòn là khu đô thị thương mại dịch vụ, các hoạt động này khiến thành phố trẻ trung, sôi động hơn.
Nút thắt thứ tư nằm ở giá cho thuê. Tại Hà Nội khai thác cho thuê chỉ đạt 3-4% một năm trên tổng giá trị tài sản, TP HCM đạt 5-6%. Sở dĩ giá thuê bất động sản TP HCM tốt hơn vì nhu cầu thuê lớn, diện tích để xe, lưu thông, dịch vụ đều vượt trội. Thêm nữa giá trị bất động sản TP HCM rẻ hơn Hà Nội nhưng kinh doanh hiệu quả hơn.
Cùng khoảng cách, giá nhà đất Hà Nội cao hơn Sài Gòn 30%, có trường hợp cao hơn gấp vài lần. Ví dụ đất quận 12 thuộc rìa trung tâm TP HCM khoảng 12 triệu đồng một m2 thì ở Hà Tây (rìa Hà Nội) có giá 30 triệu đồng, song cho thuê bất động sản tại quận 12 vẫn cao hơn Hà Tây. "Vì những điều này, người Hà Nội thích đầu tư địa ốc ở Sài Gòn là điều dễ hiểu", ông Quang nói.
Giám đốc Đầu tư Công ty Savills Việt Nam Sử Ngọc Khương nhận định, giá nhà đất TP HCM rẻ hơn, thanh khoản luôn cao hơn và tỷ suất sinh lời cũng vượt trội hơn Hà Nội có nguồn gốc sâu xa do lịch sử để lại.
Ông giải thích, cần hiểu Hà Nội có vị thế thủ đô. Quy mô trung bình, tập trung vào lõi 36 phố phường từ thời Pháp để lại, việc phát triển quy hoạch đô thị này hơi khó do nhiều di tích lịch sử cần được bảo tồn. Với vai trò là trung tâm văn hóa, chính trị của cả nước, sức chứa đô thị đang quá tải, tất nhiên giá bất động sản phải cực kỳ đắt đỏ. Trong lịch sử bất động sản toàn cầu, địa ốc thủ đô luôn có giá ngất ngưởng hoặc cao hơn so với các thành phố khác cùng lãnh thổ. "Đây gọi là ảnh hưởng của tâm lý thủ đô", ông nói.
So với Hà Nội, theo ông Khương, Sài Gòn có quy mô lớn hơn cả về diện tích lẫn dân số, có sự tiếp nối, mở rộng, điều chỉnh quy hoạch tạo thuận lợi cho việc phát triển các vùng vành đai. Hạ tầng TP HCM cũng có xu hướng chạy trước Hà Nội. Sài Gòn là trung tâm thương mại dịch vụ giải trí nên sự năng động đã ảnh hưởng vào giá nhà đất. Dù là vùng ven hay trung tâm, giá bất động sản tại đô thị 10 triệu dân này đều rẻ hơn Hà Nội. Giá cả tác động tích cực đến thanh khoản, giúp mua bán dễ dàng hơn, cộng thêm dịch vụ tốt đã tạo nên sự sôi động ấn tượng của thị trường này.
Một chuyên gia có 12 năm buôn địa ốc cho rằng sự ưu ái của nhà đầu tư Hà Nội dành cho Sài Gòn ban đầu chỉ xuất phát từ quan niệm đầu tư cá nhân. Sau đó những cuộc di dân Nam tiến mang tính chất gia đình, làng xóm đã lây lan thành cộng đồng, lâu dần xu hướng này tích lũy thành làn sóng đầu tư đặc thù. "Nhà đầu tư Hà Nội chuộng bất động sản TP HCM một phần vì thói quen, mặt khác vì sự linh hoạt, hiệu quả, thuận tiện", ông cho hay.