Bóng đá luôn thay đổi rất nhanh, và quãng thời gian 16 năm là quá dài, đủ để xóa nhòa mọi thứ. Nhưng điều này không áp dụng với trận chung kết Champions League 2004/05. Đó là một trận đấu không tưởng, thách thức mọi trí tưởng tượng và nhắc nhở về một điều luôn luôn đúng, rằng trong bóng đá mọi thứ đều có thể xảy ra.
Khi Liverpool tiếp đón Milan ở trận mở màn Champions League 2021/22 vào đêm thứ Tư, đây sẽ là lần đầu tiên hai đội gặp nhau mà đây không phải trận chung kết. Hai lần chạm trán trước luôn là khung cảnh tráng lệ của trận đấu cuối cùng tìm ra nhà vô địch châu Âu. Milan giành chiến thắng năm 2007, được coi là màn trả thù cho thất bại năm 2005. Nhưng với Liverpool, điều đó không làm thay đổi niềm tự hào về đêm kịch tính và điên rồ ở Istanbul.
Juergen Klopp dù không liên quan gì tới chiến tích ấy, song mỗi lần cần thúc đẩy các học trò ở các trận đấu lớn, thường nhắc nhở về những gì đã xảy ra vào năm 2005. “Nó thật rực rỡ, đáng nhớ và đầy cảm xúc”, HLV người Đức nói vào năm 2016, “Đôi khi có những thời điểm nhiều đội khác nghĩ về sự kết thúc, nhưng không phải với Liverpool”.
Vậy rốt cuộc chuyện gì đã diễn ra ở Istanbul năm 2005?
Thành thực mà nói, việc Liverpool vào đến chung kết là một bất ngờ. Và khi họ nhận 3 bàn thua chóng vánh, đó giống như một lời nhắc nhở về sự chênh lệch đẳng cấp giữa hai đội. Liverpool không thể kiểm soát Kaka trong khi Crespo và Shevchenko luôn tìm thấy khoảng trống. Một cảm giác bất lực thực sự và nhiều cầu thủ The Kop đã nghĩ về việc tránh để thua thêm. Không gì nhục nhã hơn việc để thua 5 hay 6 bàn ở một trận chung kết.
Khoảnh khắc đăng quang của Liverpool sau đêm kịch tính ở Istanbul. (Ảnh: Getty Images) |
Thế nhưng ý chí chiến thắng đã bùng lên trong họ, khi nhìn thấy sự tự mãn bên phía Milan. Steven Gerrard vẫn nhớ về sự đắc ý của Gennaro Gattuso, hay việc đối thủ thoải mái vẫy chào người nhà trên khán đài khi bước vào thời gian nghỉ giữa giờ.
Một trong những câu hỏi đặt ra nhiều nhất là Milan có ăn mừng trong phòng thay đồ không? Cafu sau này xác nhận, có. “Liverpool là đội bóng chặt chẽ và việc ghi 3 bàn vào lưới họ khiến chúng tôi nghĩ rằng đây là ngày của mình. Chúng tôi bắt đầu thư giãn”, hậu vệ người Brazil nói với Four Four Two.
Bên phía Liverpool, sự tự tin trở lại khi HLV Rafa Benitez đưa ra ý tưởng chuyển sang chơi 3-4-2-1. Didi Haman vào sân đá cặp cùng Xabi Alonso còn Gerrard được đẩy lên phía trước. Chưa từng chơi với sơ đồ này, nhưng ít nhất một kế hoạch mới thay vì chịu trận cũng khiến họ phấn chấn. Tâm trạng tích cực càng được củng cố khi tiếng hát “Bạn không bao giờ cô đơn” vang lên ở khán đài.
Nhưng các cầu thủ Liverpool không hoang tưởng đến mức nghĩ về 3 bàn thắng. Họ chỉ cố chơi 45 phút để đời. Vậy mà điều không tưởng lại xảy ra. Như Gerrard kể lại, bàn gỡ đầu tiên khiến cả đội cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Dù sao họ cũng ghi được bàn danh dự. Đến bàn thứ hai của Vladimir Smicer, ý nghĩ về điều kỳ diệu lờ mờ hiện ra. Và thời điểm Alonso gỡ hòa 3-3, tất cả biết rằng đây sẽ là một đêm điên rồ. Bây giờ Liverpool cần hoàn tất nó bằng việc giành chiến thắng chung cuộc.
Hai thái cực trái ngược sau loạt sút luân lưu trận chung kết năm 2005. (Ảnh: Getty Images) |
Về phần Milan, họ đi từ ngỡ ngàng, choáng váng đến sụp đổ. Những ngôi sao đầy bản lĩnh như Paolo Maldini, Cafu hay Andriy Shevchenko đều không còn là chính mình. Họ ném bỏ các cơ hội trong hiệp phụ và tiếp tục thua cuộc ở loạt sút luân lưu. Milan đã đi từ thiên đàng tới địa ngục còn Liverpool, từ nạn nhân của vụ "hủy diệt" vụt biến thành những người hùng. Chưa bao giờ người ta thấy ranh giới thắng bại mong manh đến thế.
Câu chuyện Milan và Liverpool đã không kết thúc ở đó, cũng không kết thúc ở Athens 2 năm sau. Nó được nối dài đến tận bây giờ. Nhưng khá trớ trêu, vai trò hai đội đã đảo ngược. Liverpool nay là ông lớn ở châu Âu và mới đăng quang cách đây 3 năm còn Milan, đây là lần đầu trở lại Champions League sau 7 mùa vắng bóng. Sự chênh lệch về đẳng cấp, chất lượng đội hình cũng như kinh nghiệm là khá rõ ràng.
Tuy nhiên những gì ở Istanbul năm 2005 chính là lời nhắc nhở cho cả hai, rằng trong bóng đá đừng nói trước điều gì. Và đôi khi, yếu tố tinh thần mới quyết định chiến thắng.