Đại biểu Quốc hội: Lương giáo viên hiện nay rất cao

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga phân tích, lương giáo viên hiện nay rất cao so với viên chức ngành khác. Ngoài bậc lương cơ bản như viên chức nói chung, giáo viên còn có hai lần phụ cấp thâm niên và phụ cấp đứng lớp. Ngoài chuyện dạy thêm, chỉ tính riêng mức lương và phụ cấp thì mức thu nhập của giáo viên không hề thấp, thậm chí cao nhất trong thang bảng lương.

Theo dự án Luật Nhà giáo và tờ trình mới nhất, cơ quan soạn thảo - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề xuất miễn học phí với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác. Theo tính toán, mức chi dự kiến cho chính sách này khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm. Đề xuất này đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội.

Đại biểu Quốc hội: Lương giáo viên hiện nay rất cao ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga.

Sáng 10/10, trao đổi với PV Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - cho biết, với chính sách cụ thể này, cần phải cân nhắc trên nhiều phương diện.

Trước tiên, lý do để đưa ra chính sách là gì? “Đọc kỹ hồ sơ trình, tôi thấy lý do đưa ra chính sách này chưa thuyết phục, chỉ xoay quanh việc cần tôn vinh nhà giáo, có những chế độ đãi ngộ xứng đáng”, bà Nga cho hay.

Qua rà soát, đại biểu đoàn Hải Dương thấy đối tượng được miễn, giảm học phí đều là đối tượng chính sách, như con liệt sỹ, con thương binh, bệnh binh, rồi hộ nghèo… Đó là những đối tượng có hoàn cảnh kinh tế thực sự khó khăn, Nhà nước sẽ miễn, hoặc giảm học phí cho đối tượng này.

Đặt trong sự so sánh, theo bà Nga, nhà giáo cũng không gặp khó khăn như các đối tượng chính sách trên. “Nếu xếp chung với các đối tượng chính sách này thì thực sự chưa ổn”, bà Nga nhìn nhận.

Còn xét về ngành nghề, nữ đại biểu cho rằng, chưa có ngành nghề nào trong xã hội mà con em được miễn học phí cả.

“Bây giờ lấy lý do con em trong ngành giáo dục đi học không mất tiền, thế những ngành nghề khác thì sao? Ví dụ, ngành y tế, liệu thân nhân người trong ngành y đi bệnh viện có phải trả viện phí không? Có rất nhiều vấn đề đặt ra, nếu miễn học phí như thế sẽ không công bằng, nếu xét ở góc độ ngành nghề”, bà Nga bày tỏ.

“Nói lương giáo viên thấp là so với mặt bằng chung của cuộc sống, nhưng chúng ta phải so sánh với hệ thống công chức và viên chức khác trong xã hội”, bà Nga nhấn mạnh.

Khẳng định nghề giáo luôn được coi là nghề cao quý, tuy nhiên theo bà Nga, trong xã hội, theo phân công công việc thì không có ngành nghề nào mà không cao quý cả. “Cứ lao động lương thiện theo đúng sự phân công của xã hội thì ngành nghề nào cũng cao quý”, bà Nga chia sẻ.

“Dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo, ngành giáo dục bao giờ cũng được tôn vinh nhiều hơn các ngành nghề khác. Thế nhưng không thể lấy lý do đó để đưa ra những chính sách vội vàng, chưa đánh giá tác động và không có sự tương quan với các ngành nghề khác”, bà Nga nói.

Mặt khác, theo đại biểu, con số 9.200 tỷ hỗ trợ như vậy là rất lớn, ngân sách nhà nước phải cân đối cho khoản đó. Trong khi đó, ngân sách của chúng ta còn rất nhiều khó khăn. Nhiều chương trình, dự án, nhiều đối tượng xã hội còn chưa bố trí được hết kinh phí.

“Ngay chuyện hỗ trợ xây và sửa nhà cho đối tượng người có công, chúng ta đã thực hiện, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa bố trí được hết kinh phí do ngân sách có hạn.

Vậy mà chúng ta lại cứ ban hành chồng chất các chính sách, liệu có thực hiện được hay không? Tôi chưa thấy trong hồ sơ đánh giá tác động nhiều chiều ở vấn đề này”, bà Nga băn khoăn.

Cũng theo đại biểu, nhà giáo hiện đã có nhiều chính sách ưu đãi. Lâu nay chúng ta cứ kêu lương giáo viên thấp, nhưng qua khảo sát, bà Nga khẳng định chỉ có một bộ phận giáo viên lương thấp, chủ yếu rơi vào giáo viên mầm non, mới ra trường. Còn lại trong tương quan của đội ngũ viên chức nói chung, lương giáo viên hiện nay rất cao so với các đối tượng viên chức ngành khác.

Bà Nga dẫn chứng, ngoài bậc lương cơ bản như viên chức nói chung, giáo viên còn có hai lần phụ cấp thâm niên và phụ cấp đứng lớp. Ngoài chuyện dạy thêm, chỉ tính riêng mức lương và phụ cấp thì mức thu nhập của giáo viên không hề thấp, thậm chí cao nhất trong thang bảng lương, thu nhập đã được cải thiện đáng kể rồi.

“Ai cũng muốn người hưởng lương từ ngân sách cao hơn, dù đã tăng lương nhưng so với mặt bằng cuộc sống, đời sống vẫn còn chật vật. Tuy nhiên, túi ngân sách cũng chỉ đáp ứng được như vậy, đó cũng là sự nỗ lực lắm rồi. Vì thế, giáo viên không thể đòi hỏi đặc quyền đặc lợi riêng so với các ngành khác”, đại biểu Nga cho hay.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.