Đó là nội dung được quy định tại điều 71, Nghị định 125 về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục do Chính phủ ban hành ngày 5/10.
Theo đó, điều kiện để trường THPT chuyên được phép hoạt động như: có chương trình giáo dục và tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định; có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn, nhiệm vụ đối với trường chuyên.
Giám đốc Sở GD&ĐT nơi đặt trụ sở trường THPT chuyên quyết định cho phép trường được hoạt động giáo dục đồng thời cũng có quyền đình chỉ hoạt động giáo dục của trường. Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định sáp nhập, chia tách, giải thể trường chuyên.
Nghị định 125 của Chính phủ quy định, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập trường THPT chuyên cả công lập và tư thục. (ảnh: Mạnh Thắng) |
Ngoài ra, Nghị định 125 cũng quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục gồm: thành lập hoặc cho phép thành lập trường học các cấp; đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia tách, giải về đối với các cơ sở giáo dục.
Cả nước hiện có hơn 70 trường THPT chuyên trực thuộc các tỉnh, thành phố. Đa số các tỉnh chỉ có duy nhất 1 trường chuyên, một số tỉnh, thành phố có 2-3 trường chuyên.
Đáng chú ý, Nghị định 125 quy định điều kiện cho phép trường mầm non, phổ thông hoạt động có nội dung mới đó là: Đối với khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt có thể thay thế diện tích đất xây dựng trường bằng diện tích sàn xây dựng và phải đảm bảo diện tích sàn xây dựng không thấp hơn bình quân tối thiểu của một trẻ theo quy định.
Trước đó, một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ GD&ĐT về cho phép xây nâng tầng và thay thể diện tích đất xây dựng bằng diện tích sàn xây dựng. Nguyên nhân là do ở các thành phố lớn có số học sinh tăng nhanh và quỹ đất xây dựng trường ngày càng eo hẹp.