Khép lại cuốn sách, là ngồn ngộn những nhân vật thuộc nhiều thành phần, tầng lớp khác nhau trong xã hội, với đủ đầy những cung bậc cảm xúc, mặc dù được thể hiện bằng thể loại báo chí nào đi nữa. Một cuốn sách thực sự đáng đọc, đặc biệt trong thời kỳ báo chí chú trọng vào những giật tít, câu view... như hiện nay.
Thú thực, thoạt nghe tôi cũng giống như không ít người, vội nghĩ rằng: Viết về người tốt, việc tốt thời này không "thịnh". Đã thế, lại không ít những xì xào, dị nghị, điều tiếng không hay khi người đọc, và cả đồng nghiệp thoạt nhìn tít, nghe tên những nhân vật được tác giả viết ra... Thế nhưng, nhà báo Nguyễn Tri Thức đã làm những hoài nghi, thậm chí là ác cảm ấy tan biến khi viết về những doanh nhân, những người nổi tiếng, với giọng văn chân chất, mộc mạc, chân tình nhưng không kém phần tinh tế, sâu sắc, cuốn hút.
Tất cả, đều toát lên sự chân tình, yêu quý, trân trọng nhân vật của tác giả. Như nhà thơ, nhà báo, PGS, TS. Nguyễn Linh Khiếu từng viết trên Báo Văn nghệ số ra ngày 19/11/2011 về tác giả rằng: "Chính qua cái cách chân thành và nâng niu, trân trọng nhân vật của mình, tác giả đã truyền cho ta sự yêu mến, quý trọng đối với những con người mà ta chưa từng gặp, lâu nay ta không hề để ý"...
Trong lời tựa của cuốn sách, nhà báo Nguyễn Tri Thức có viết rằng, "viết về nhân vật không khó nhưng dễ theo lối mòn, nhàm chán. Vậy nên, phải luôn tìm tòi, đổi mới cách thể hiện. Điều quan trọng là phải khắc hoạ, phải "dựng" được chân dung của họ đúng như con người họ, bằng những nét nổi bật, hồn cốt nhất, tạo thành bản phác hoạ mà ai quen biết họ khi "nhìn" vào cũng dễ dàng nhận ra ngay. Ấy là những gì đặc trưng, cơ bản, dễ thấy nhất về nhân vật, để "vẽ" họ là ra họ, không phải người nào đó giông giống họ, không phải là những người nhang nhác nhau...".
Điều khá lạ trong cuốn sách là tác giả dường như muốn thể nghiệm một thể loại báo chí mới, rất gần với phỏng vấn, nhưng không phải là phỏng vấn.
Ngoài phần trả lời của nhân vật, nhà báo Nguyễn Tri Thức cứ nhẩn nha, khéo léo, tinh tế quan sát, phát hiện, liên tưởng, tỉ mẩn, tưng tửng lồng ghép những chất liệu xung quanh nhân vật, nêu những quan điểm, cảm nhận, bình giá của mình về nhân vật, về vấn đề có liên quan đến con người và sự việc. Để rồi được kết nối một cách khéo léo, tinh tế cho nhân vật nói một cách liền mạch, logic và tròn trịa, đầy đặn... Đó có lẽ cũng là một sự thú vị của cuốn sách, đặc biệt cho các sinh viên báo chí, những nhà báo trẻ muốn tham khảo...
Cuốn sách “Đã gặp, khó quên...“ của Nhà báo Nguyễn Tri Thức đang được phát hành tại hệ thống nhà sách Tiền Phong trên toàn quốc.