Theo các bác sĩ, bệnh nhân Hòa xuất hiện cơn đau bụng lâm râm quanh rốn 2 ngày trước khi xuất hiện cơn đau dữ dội. Nhập viện trong tình trạng trụy mạch, niêm mạc nhợt nhạt, qua siêu âm cho bệnh nhân, bác sĩ thấy hình ảnh tổn thương phình động mạch chủ ngay dưới động mạch thận, kích thước khối phình 7- 11 cm, tụ máu lớn sau phúc mạc, khối phình động mạch chủ bụng bắt đầu vỡ.
Bệnh nhân được các bác sĩ khoa Ngoại Tim mạch Lồng ngực phẫu thuật khẩn cấp. “Chúng tôi nhanh chóng kiểm soát, kẹp cổ đầu trên và đầu dưới túi phình cầm máu, cắt bỏ túi phình thay bằng ống ghép nhân tạo. Trong lúc mổ, bệnh nhân được truyền 1.500ml máu. Trong vòng 4 tiếng của ca mổ, khó khăn nhất chính là phải kiểm soát được đầu trên túi phình, bởi nếu để túi phình lan đến động mạch thận sẽ bị biến chứng suy thận. Ngoài ra, mọi thao tác của êkip phẫu thuật cần nhanh chóng để phục hồi động mạch, kịp tưới máu chi dưới tránh hoại tử”. Thạc sỹ Phạm Văn Chung, khoa Ngoại Tim mạch Lồng ngực, phẫu thuật viên chính ca mổ nhận định.
“Quá trình hồi sức sau mổ cho bệnh nhân Hòa cũng vô cùng khó khăn, vì trên thể trạng bệnh nhân già yếu, suy kiệt nhiều, sau mổ thường xảy ra tình trạng rối loạn chức năng gan, thận. Ngoài lượng máu sử dụng trong lúc mổ, bệnh nhân còn được bổ sung 1 lít máu và 1 lít huyết tương tươi (plasma) trong quá trình hồi sức. Nguy cơ bệnh nhân đe dọa tử vong luôn hiện hữu, nhưng sau gần 1 tuần hồi sức hậu phẫu, bệnh nhân đã tỉnh, không sốt, huyết động và các chỉ số xét nghiệm máu, sinh hóa đã ổn định”. Thạc sỹ Trần Minh Long (Trưởng khoa Hồi sức Ngoại khoa) cho biết.
Phẫu thuật phình động mạch chủ là kỹ thuật cao trong điều trị về bệnh lý mạch máu được Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa triển khai lần đầu tiên tại tỉnh Nghệ An. Trước đây, khi Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An chưa triển khai thực hiện phẫu thuật này, hầu hết bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng dọa vỡ và vỡ vào viện trong tình trạng quá nặng và nguy kịch đều không kịp thời gian chuyển lên tuyến trên cấp cứu điều trị.