Cưỡng đoạt tài sản với thủ đoạn đe dọa, khủng bố tin nhắn gây hoang mang dư luận

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Uỷ ban Tư pháp, tình trạng lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp, công ty luật dưới hình thức mua bán nợ để cưỡng đoạt tài sản với các thủ đoạn đe dọa, khủng bố bằng tin nhắn, điện thoại gây hoang mang trong dư luận.

Sáng 13/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2023.

Đại diện cơ quan thẩm tra các báo cáo, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, về công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tổng thể chung, tội phạm gia tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại tài sản do tội phạm gây ra.

Cưỡng đoạt tài sản với thủ đoạn đe dọa, khủng bố tin nhắn gây hoang mang dư luận ảnh 1

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường

Bên cạnh đó, đã xuất hiện tình trạng lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp, công ty luật dưới hình thức mua bán nợ để cưỡng đoạt tài sản với các thủ đoạn đe dọa, khủng bố bằng tin nhắn, điện thoại gây hoang mang trong dư luận.

Về phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, theo cơ quan thẩm tra, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực và đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

“Thanh tra, Kiểm toán đã phát hiện nhiều vi phạm, kiến nghị thu hồi cho ngân sách Nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng, chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu hình sự sang cơ quan điều tra”, ông Cường nêu.

Liên quan đến công tác kiểm sát thi hành án, qua giám sát của Uỷ ban Tư pháp cho thấy, chất lượng kiểm sát của một số VKS địa phương trong công tác này chưa cao. Số hồ sơ đề nghị tha tù trước hạn có điều kiện không được TAND chấp nhận hoặc chấp nhận một phần kiến nghị còn chiếm tỷ lệ cao, trong đó có trách nhiệm của VKS.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số quyết định tha tù trước hạn có điều kiện bị VKS cấp trên kháng nghị, Tòa án có thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ do áp dụng pháp luật không đúng, trong khi VKS cùng cấp không phát hiện được vi phạm để kháng nghị.

Về xét xử, giải quyết các vụ án hình sự, theo ông Cường, số lượng vụ án thụ lý tăng so với cùng kỳ năm trước, song các Tòa án đã xét xử đạt 85,12%; hình phạt được áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh; tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm; chưa phát hiện trường hợp nào bị kết án oan…

“Các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn và áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước”, ông Cường cho hay.

Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, tỷ lệ xét xử các vụ án hình sự chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao; còn một số trường hợp áp dụng chưa đúng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; áp dụng án treo không đúng; áp dụng hình phạt chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân bị cáo.

Về công tác thi hành án tử hình, theo cơ quan thẩm tra, số lượng người bị kết án tử hình tăng so với cùng kỳ; công tác quản lý giam giữ số đối tượng này của các trại tạm giam bảo đảm an toàn. Việc tổ chức thi hành án tử hình và giải quyết cho nhận tử thi, tro cốt bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, đúng pháp luật.

“Khó khăn lớn nhất hiện nay là số người bị kết án tử hình đã có hiệu lực nhưng chưa thi hành còn cao, gây áp lực cho công tác giam giữ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiệp vụ chưa tương xứng với yêu cầu công tác giam giữ, thi hành án tử hình”, ông Cường nói.

Uỷ ban Tư pháp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan khẩn trương chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế đã nêu; chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, làm rõ những bất cập trong công tác quản lý nhà nước. Đồng thời xác định rõ hơn nữa trách nhiệm từng cấp, từng ngành, từng cá nhân trong từng lĩnh vực nhằm khắc phục tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm.

MỚI - NÓNG