Cửa 'quan' tắc, cửa 'cò' thông

Minh họa: Khều
Minh họa: Khều
TP - Thời gian qua, Tiền Phong nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc gặp khó khăn trong quy trình làm thủ tục hành chính đối với các loại giấy tờ đơn giản như chứng minh nhân dân (CMND), giấy phép lái xe (GPLX), phù hiệu xe đầu kéo. Phóng viên Tiền Phong nhập vai người dân cần một trong những loại giấy tờ này để tìm hiểu vụ việc.

Cửa "quan" ách tắc

Vào vai người có xe đầu kéo đến xin phù hiệu tại Sở GTVT Hà Nội (16 Cao Bá Quát, Ba Đình, Hà Nội), chúng tôi cầm tập hồ sơ trên tay đến gặp một nữ cán bộ phụ trách thủ tục cấp giấy đăng ký kinh doanh vận tải và phù hiệu cho xe đầu kéo, container. Nữ cán bộ này cầm hồ sơ mở ra, giải thích vài câu qua loa và bảo chúng tôi về... làm lại hồ sơ.

Chúng tôi hỏi, sao Sở không niêm yết những yêu cầu người làm thủ tục cần hoàn thiện, thậm chí cả trên trang web của Sở GTVT Hà Nội cũng không có thông tin yêu cầu người xin phù hiệu phải cần những thủ tục gì, làm sao người dân biết để hoàn thiện hồ sơ?...

Chưa dứt câu hỏi, nữ cán bộ trên “chặn” luôn: “Hôm nay ít người đến làm thủ tục tôi mới nói, còn không thì anh tự tìm hiểu trong luật ấy”. Chị này cũng cho biết, nếu cần xem bảng hướng dẫn cụ thể thì “đến Hà Đông mà xem”. Có thể hiểu, “Hà Đông” ở đây là số 2 Phùng Hưng, Hà Đông - trụ sở mới của Sở GTVT sau ngày sáp nhập Hà Tây vào TP Hà Nội.

Vài ngày sau, chúng tôi quay lại, làm đầy đủ thủ tục theo yêu cầu. Tuy nhiên, vị nữ cán bộ trên lại cho rằng, thủ tục trên không đáp ứng theo mẫu và tiếp tục... phải làm lại.

Chạy tới chạy lui cả nửa tháng trời mới xong được bộ hồ sơ, tưởng chừng đã đáp ứng được yêu cầu, song cuối cùng chỉ vì “quy định” không có bằng từ trung cấp trở lên về lĩnh vực giao thông vận tải, hoặc bằng đại học tài chính, kế toán và không có đủ số xe theo quy định, chúng tôi đành ngậm ngùi ra về tay trắng.

Cửa “cò” hanh thông

Trái ngược với không khí có phần “căng thẳng” ở 16 Cao Bá Quát, vừa bước chân tới khu vực số 2 Phùng Hưng, Hà Đông chúng tôi đã được hàng chục người môi giới (gọi nôm na là “cò”) nồng nhiệt chào đón, giới thiệu về khả năng “phù phép” thủ tục hành chính liên quan lĩnh vực giao thông vận tải vừa nhanh vừa gọn.

Qua câu chuyện của các “cò” ở đây, có thể thấy giới “cò” này cũng được chia đẳng cấp. Có loại “cò” chỉ làm được thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX); loại chỉ chuyên làm được thủ tục cho người mất giấy tờ. Thậm chí họ bảo chỉ 3-5 ngày là làm xong.

Với mục đích tìm “cò” chuyên lo giấy chứng nhận kinh doanh vận tải và phù hiệu cho xe đầu kéo, container, chúng tôi tiếp xúc đến cả chục đối tượng “cò”. Sau một thời gian tìm kiếm, chúng tôi được giới thiệu một “cao thủ cò” có tên là Ba chuyên lo giấy chứng nhận kinh doanh vận tải và phù hiệu cho xe đầu kéo, container.

Cửa 'quan' tắc, cửa 'cò' thông ảnh 1

"Cò" Ba, hoạt động tại khu vực số 2 Phùng Hưng, Hà Đông, cho biết có thể làm nhanh nhiều loại giấy tờ. Ảnh: Minh Đức

Sau cuộc gọi chừng 3-5 phút, một người đàn ông ăn mặc đồ công sở, điều khiển chiếc xe Honda PCX từ trụ sở Sở GTVT phóng ra đường. Chúng tôi mời người đàn ông được giới thiệu tên là Ba ra một quán cà phê gần đó để trao đổi. “Anh Ba” tự giới thiệu là người có thể làm thủ tục trong nháy mắt đồng thời khẳng định luôn là trong đám “cò” này không có ai đủ đẳng cấp làm nhanh như anh. Nếu có gửi hồ sơ cho người khác cũng phải thông qua anh để... đóng dấu.

Khi chúng tôi giới thiệu chỉ có giấy đăng ký và giấy đăng kiểm, anh Ba “chém” chắc nịch là có cả quan hệ bên Sở Kế hoạch & Đầu tư. Ông này nói, muốn làm giấy tờ độc lập thì phải lập Cty sau đó làm thủ tục để được cấp phép kinh doanh vận tải; thủ tục trên sẽ hoàn thiện trong 45 ngày với giá 12 triệu đồng. “Trường hợp rút ngắn thời gian về 20 ngày sẽ có giá 24 triệu đồng”, cò Ba nói. Đó là chưa kể chi phí làm phù hiệu cho xe.

Chúng tôi vờ đặt nghi vấn nếu giấy tờ giả mạo, “anh Ba” liền rút bộ hồ sơ đã làm sẵn, đồng thời đề nghị chúng tôi cầm vào Sở GTVT để kiểm tra độ chính xác. Người đàn ông này còn khẳng định mình có khả năng “điều hành” cả bên trong Sở GTVT bằng việc cho xem một tập hồ sơ chưa đóng dấu. Sau đó, “anh Ba” chạy vào Sở GTVT, khoảng 10 phút sau quay lại: bộ hồ sơ đã được đóng dấu đỏ chót!

“Cò” Ba tiếp tục “nổ”: “Đây này, anh không tin tí tôi đưa anh gặp thằng Tổ trưởng bảo vệ Sở GTVT. Nói thật là tôi phải làm của tôi đã, của họ cứ để đấy, nói luôn để anh hiểu. Nó hiểu gì về giấy tờ, không tin anh cứ đưa thử giấy tờ, chắc gì nó đã biết ngành nghề gì. Còn tôi làm cho anh là phải đúng ngành luôn vì tôi trực tiếp làm. Nhưng nếu qua Cty luật chắc chắn anh phải đi 2 lần qua Sở KH&ĐT và 5-7 lần qua Sở GTVT chưa chắc xong. Anh cứ lên, “nó” sẽ chỉ có một tờ giấy thôi, nó sẽ bảo anh quy định áp dụng từ 1/7 này là không có ngành nghề nhưng tôi thì vẫn làm được cho anh đăng ký. Các anh không tin để tôi đưa vào đóng dấu, khẳng định luôn”.

Há hốc mồm với khả năng của “anh Ba”, chúng tôi bắt đầu giả vờ chê giá 12 triệu (trong vòng 45 ngày) và 24 triệu (20 ngày) của “anh Ba” để làm cấp giấy đăng ký kinh doanh vận tải hơi “chát”.

Ngày hôm sau, khi trở lại khu vực trên, chúng tôi gặp một thanh niên tên D., người này ra giá tiền cụ thể để làm giấy phép kinh doanh vận tải trong vòng 25 ngày; làm phù hiệu thì 200.000 đồng/tờ, lấy trong vòng 5 ngày. Thấy giá cả tương đối “hợp lý”, chúng tôi chuyển toàn bộ hồ sơ và đặt cọc một phần tiền theo yêu cầu của D.

Đúng như lịch hẹn, 20 ngày sau trở lại, chúng tôi nhận được giấy đăng ký kinh doanh vận tải cùng những tờ phù hiệu từ D như đã cam kết!

Vì sao “cò” còn đất sống?

Tương tự, tại khu vực trụ sở Tổng cục Đường bộ, khi chúng tôi đi làm lại GPLX, có nhiều “cò” quây lại, nói sẵn sàng giúp đỡ nhưng đương nhiên là phải có chi phí. Một người đàn ông quả quyết, anh ta chuyên làm cấp đổi GPLX của Sở với giá 500.000 đồng; GPLX của Cục Đường bộ giá 600.000 đồng. Khi yêu cầu được lấy ngay GPLX, “cò” này ra giá 5 triệu đồng, hẹn “nay làm mai lấy”.

Cửa 'quan' tắc, cửa 'cò' thông ảnh 2

“Cò” giới thiệu làm GPLX. Ảnh: Xuân Ân

Vì sao “cò” còn đất sống? Trong những ngày khảo sát, xâm nhập  vào “thế giới” của “cò”, phóng viên nhận thấy ngoài việc nhiều người dân thiếu hiểu biết pháp luật, ít có thời gian tự đi hoàn thiện giấy tờ, còn một nguyên nhân khác chính là thái độ của các nhân viên chốn "cửa quan". Có thể, chỉ vì thiếu một lời giải thích cho người dân, một thái độ lạnh nhạt của những người làm việc ở bộ phận “một cửa”, nhiều người đến làm thủ tục đã cảm thấy mình đang bị gây khó dễ. Cách tốt nhất, họ tìm đến “cò”, nhanh gọn, thuận tiện, lại tránh mang những bực mình không đáng có vào người.

Đơn cử mới đây, chị Nguyễn Thị H (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phản ánh, khi chị đến công an quận làm thủ tục cấp đổi CMND cho con gái chuẩn bị thi đại học, mới gần 10h sáng cán bộ ở đây đã từ chối với lý do đã nhận đủ hồ sơ, đề nghị chị này quay lại vào hôm khác…

Cửa 'quan' tắc, cửa 'cò' thông ảnh 3

Sau gần 1 tháng chờ đợi, phóng viên đã nhận được giấy phép kinh doanh vận tải từ “cò”. Ảnh: Minh Đức

Hoặc như anh Nguyễn Văn T. (Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) kinh doanh quần áo phản ánh, anh đã thực hiện đầy đủ các thủ tục và đăng tải thông tin theo quy định về việc giải thể doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi anh đem hồ sơ đến Chi cục Thuế quận Đống Đa, TP Hà Nội đề nghị xác nhận thông tin về việc đơn vị này không nợ, tồn đọng thuế để giải thể doanh nghiệp, nhưng vẫn chưa được giải quyết. “Cán bộ ở đây lúc thì kêu bận, khi kêu hết giờ, rồi máy tính hỏng… Cho tới nay, đã qua hơn chục ngày nhưng tôi vẫn chưa được cơ quan Thuế xác nhận, khiến Cty của tôi vẫn sống dở, chết dở”,  anh T. nói.

Làm sao “cò” vào được công sở!

Trao đổi với phóng viên về tình trạng “cò” xuất hiện tràn lan tại khu vực trụ sở Sở GTVT Hà Nội, ông Nguyễn Việt Phương, Phó giám đốc Sở GTVT  Hà Nội cho biết, có chăng “cò” chỉ xuất hiện phía bên ngoài cổng chứ làm sao vào được Sở, mà đã ở ngoài thì làm sao mà xử lý được. "Thủ tục hướng dẫn thì có cả rồi, nhưng người dân đến thì “cò” nó cứ dẫn dắt hướng dẫn làm sao chúng tôi kiểm soát được. Nhiều loại giấy tờ không quy định cần phải trình giấy chứng minh nhân dân, nên không biết đâu là người đi làm thủ tục, đâu là “cò” để xử lý” - ông Phương nói.

MỚI - NÓNG