Đáng chú ý, Dũng và đồng bọn chuyên làm giấy tờ giả không phải để bán mà nhằm mục đích hợp pháp hóa cho những phi vụ môi giới bán thận kiếm bộn tiền của nhóm này. Cùng bị điều tra với Dũng còn có Lê Thị Yến, SN 1965, trú tại TP Nam Định và một người khác.
Bán và mua thận qua… Internet
Chuyên án này bắt đầu từ phản ánh của một tờ báo về một đường dây mua bán thận xảy ra tại Bệnh viện Trung ương Huế. Theo tờ báo này, có một nhóm người đã lợi dụng nhu cầu mua thận của người bệnh và việc bán thận của những người túng quẫn về kinh tế để môi giới kiếm tiền.
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng về các tài liệu, chứng cứ, đối chiếu với các quy định của pháp luật, Cục Cảnh sát hình sự đã xác lập chuyên án để đấu tranh với nhóm đối tượng làm giấy tờ giả của người cho thận để làm hồ sơ ghép thận cho những người có chỉ định của bác sỹ để ghép thận. Qua đó, các trinh sát đã làm rõ được 3 đối tượng liên quan đến đường dây này, trong đó có Nguyễn Việt Dũng, Lê Thị Yến.
Đối tượng Nguyễn Việt Dũng.
Khi tìm hiểu về các đối tượng này, chúng tôi được biết bản thân họ và gia đình cũng đã từng ít nhiều liên quan đến việc mua bán thận. Cách đây vài năm, chính Dũng do túng quẫn kinh tế đã phải bán một quả thận của mình. Còn bà Yến, đứa con đầu đã mất vì căn bệnh này, đến đứa con thứ 2 cũng mắc bệnh nhưng đã được ghép thận và đang nằm viện để điều trị sau ghép thận.
Chính vì thế, cả Dũng và bà Yến đều biết rất rõ nhu cầu của mọi người trong việc mua và bán thận. Hầu hết những người này khi chưa mua đươc thận hay bán thận đều đưa thông tin lên mạng Internet, tuy không đưa tên thật nhưng hay đăng kèm số điện thoại để liên hệ.
Ngay cả bà Yến, trước đây có đăng thông tin lên mạng Internet cần tìm người ghép thận cho con, nhưng khi con bà đã ghép xong, vẫn có nhiều người gọi cho bà nói có nhu cầu bán thận (do bà Yến không biết xóa thông tin của mình trên mạng).
Từ việc biết rõ này, các đối tượng đã câu kết với nhau để hình thành một đường dây môi giới mua bán thận cho những người có nhu cầu ghép thận tại Bệnh viện Trung ương Huế. Vai trò của bà Yến là biết ai có nhu cầu muốn mua thận để ghép hoặc bán thì liên hệ với Dũng để tìm người bán.
Còn Dũng, chỉ cần click lên mạng Internet và gọi đến những số điện thoại liên hệ để lại của những người có nhu cầu bán thận. Dũng sẽ thỏa thuận với họ giá cả bán thận (thường là 150 triệu đồng/ quả thận).
Sau khi người bán đã đồng ý, Dũng sẽ đón họ để đưa đi xét nghiệm HLA (mất khoảng 10 triệu đồng) để xem các chỉ số phù hợp với người nào cần ghép, nuôi ăn ở cho họ, chi phí máy bay vào Huế để thực hiện việc ghép thận. Với mỗi ca ghép này, người mua thận phải chi trả thường từ 220 triệu đến 300 triệu cho phía môi giới và bán thận. Sau khi chi phí hết, trả cho bà Yến tiền môi giới khoảng 3-5 triệu đồng thì Dũng được khoảng 25 đến 30 triệu đồng/ ca.
Theo quy định, việc thực hiện ghép thận phải qua nhiều thủ tục, quy trình nghiêm ngặt từ khâu tiếp nhận hồ sơ, khâu xét duyệt, tư vấn cho người cần ghép và người cho, hiến thận. Đặc biệt, có quy định người cho và người ghép phải là người có quan hệ anh em, họ hàng và không vì mục đích thương mại.
Theo đó, một ca ghép thận nếu được thực hiện thì phải có các loại giấy tờ sau: Giấy xác nhận của chính quyền xã, phường xác nhận người cho thận và người bán thận có mối quan hệ anh em, họ hàng; giấy xác nhận của Công an xã, phường về tư cách, hạnh kiểm của người cho thận không có tiền án tiền sự, vi phạm pháp luật gì; giấy cam kết của người đại diện gia đình người cho thận (bố, mẹ, vợ chồng) đồng ý cho thận có xác nhận của chính quyền phường, xã.
Thế nhưng, những người cho thận và mua thận qua đường dây này đều không có mối quan hệ họ hàng gì với nhau. Vì thế, họ không thể có giấy xác nhận của chính quyền địa phương, những giấy cam kết khác họ hầu hết không có vì ngại gia đình và mọi người xung quanh biết chuyện.
Chính vì thế, từ năm 2013 đến năm 2014, Dũng đã tự “sáng tác” ra các loại giấy cam kết này bằng cách làm giả phần xác nhận của chính quyền địa phương, làm giả con dấu của UBND các phường, xã, thị trấn trong nhiều loại giấy tờ có liên quan đến hồ sơ của người hiến (bán) thận để Bệnh viện Trung ương Huế duyệt hồ sơ cho tiến hành ghép thận.
Hình thức làm giả của Dũng là dùng phương pháp in lưới hoặc in phun màu. Vì vậy, khi tiến hành kiểm tra và xác minh một số hồ sơ nghi vấn đã tiến hành ghép thận tại đây, cơ quan điều tra phát hiện có trường hợp người cho thận được xác nhận là chồng bệnh nhân, nhưng khi kiểm tra thực tế, chồng bệnh nhân là một người hoàn toàn khác…
Những người bán thận là ai?
Theo các cán bộ điều tra cho biết, chỉ cần search (tìm) dòng chữ “cần mua bán thận” trên mạng là có đến cả triệu lượt người đăng tin. Người mua thận là những người bệnh đang cần cấy ghép, còn người bán thận thì rất phong phú. Theo lời họ giới thiệu trên mạng Internet thì có người là sinh viên, người lao động tự do, có nhiều lý do khiến họ rao bán thận nhưng chung quy họ đang rất cần tiền.
Phải nói rằng, khi ở vào hoàn cảnh cùng quẫn, nhu cầu tiền bạc rất thúc ép thì những người nói trên mới tìm đến biện pháp kiếm tiền ở đường cùng này, đó là bán đi một quả thận, đồng nghĩa bán đi một phần sức khỏe của mình.
Theo Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, giữa người cho và người ghép phải là người có mối quan hệ anh em, họ hàng và không vì mục đích thương mại. Hoặc nếu ai có nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể (mục đích nhân đạo) thì có thể đăng ký tại Trung tâm Ðiều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đặt tại Bệnh viện Việt Ðức (Hà Nội). Chính vì thế, số lượng người hiến chưa nhiều, nhu cầu của những người bệnh cần ghép nội tạng như thận, gan lại vô cùng cao.
Trong sự mỏi mòn chờ đợi nguồn thận, gan được hiến ghép, nhiều người bệnh đã tìm cách liên hệ bên ngoài với người cần bán. Và tất nhiên, để làm được điều này, họ thường phải qua các trung gian, bởi các thủ tục, giấy tờ cho việc này khá chặt chẽ. Thế là, những kẻ trung gian như Dũng, Yến hưởng lợi một số tiền khá cao từ việc môi giới bán nội tạng.
Hiện nay, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cấm việc cho, ghép vì mục đích thương mại. Nhưng pháp luật vẫn chưa có quy định xử lý hình sự đối với những đối tượng môi giới việc mua bán này. Vì vậy, trong vụ án nói trên, Dũng bị khởi tố, bắt giam về hành vi làm giả các loại giấy tờ để hợp pháp hóa việc mua, bán thận.
Theo các điều tra viên, khi nhu cầu về mua - bán nội tạng còn rất cao trong xã hội, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến ANTT, như môi giới bán nội tạng, làm giấy tờ giả để hợp pháp hóa việc bán tạng, thậm chí có thể lừa những người cùng quẫn tiền bạc sang nước ngoài để bán tạng…
Trong quá trình trao đổi thông tin viết bài này, chúng tôi đã nhận được một số ý kiến cho rằng, nên chăng, chúng ta cho công khai việc mua bán nội tạng, nhưng việc mua bán phải minh bạch có sự điều phối của Nhà nước, bởi nhu cầu của bên bán và bên mua đều rất cao? Vẫn biết rất khó thành hiện thực nhưng thiết nghĩ, đây cũng là những ý kiến đáng suy ngẫm.