2/9/2021
Từ lúc ra trường đến giờ, đây là năm đầu tiên tôi ở lại thành phố vào kỳ nghỉ quốc khánh. Ngày này năm ngoái tôi còn đang vi vu ở đảo Gili (Indonesia) với đứa bạn. Giờ đây, bó người trong bộ đồ bảo hộ đầy mùi cloramin B lại càng thấy nhớ gió biển Gili, nhớ khung cảnh chiều chiều cả làng ôm đàn ra bãi biển ngồi hát. Lôi điện thoại ra xem lại, hình nền là một cái ảnh ngược sáng, tôi nhỏ bé vô cùng ngồi lẫn trong những thanh niên địa phương chờ hoàng hôn sao lại đẹp đến thế. Đẹp đến mức chỉ ao ước bao giờ hết dịch để trở lại thiên đường mộc mạc ấy?
Nhưng là nghĩ thế thôi, chứ sau khi vào đây rồi, chỉ mong hết dịch, tháo đồ bảo hộ, rồi cơm tấm vỉa hè 30k, bạc xỉu 10k nghênh ngang chém gió là đã hạnh phúc lắm.
5/9/2021
Nếu nói điều gì là khó khăn nhất trong quá trình làm tình nguyện viên thì chính là việc phải mặc đồ bảo hộ cả ngày. Lần đầu tiên chui vào bộ đồ phi công ấy, tôi mới cảm nhận được bị hun nóng nghĩa là thế nào. Chỉ sau vài phút mồ hôi đã túa ra không khác gì chui vào lò xông. Nhìn sang bên cạnh, các “đồng đội” không khá hơn tôi là bao. Nhưng không ai dám oán thán nửa lời. Bởi trước chúng tôi, bên cạnh chúng tôi, tất cả y bác sĩ đều đã ngày đêm phải tắm hơi bất đắc dĩ như thế.
Đến tận lúc này tôi mới thấu hiểu sự khó khăn của các nhân viên y tế. Mặc đồ bảo hộ, mồ hôi đổ cả ngày (cởi bảo hộ ra, áo quần ai cũng vằn vện vệt muối đọng), cơ thể mất nước nên nhanh khát và mệt, nhưng lại không dám uống nhiều bởi mỗi lần đi vệ sinh rất phiền phức.
Công việc của tôi là theo dõi tình trạng bệnh nhân sau đó báo lại cho bác sĩ, giúp bệnh nhân tắm, gội, vệ sinh, thay tã, cho ăn, dọn dẹp vệ sinh, thậm chí vận chuyển bình oxy khi thiếu người.
Từ bé đến lớn tôi chưa từng phải cơm bưng nước rót, bưng bô đổ nước tiểu cho ai. Thế nhưng, chỉ sau vài ngày huấn luyện, tất cả chúng tôi làm những việc này đều đã rất thuận tay. Phương Anh, cô gái mới 21 tuổi, đang là sinh viên năm ba ĐH Quốc gia TPHCM đắc ý bảo tôi: sau này chẳng may thất nghiệp, chúng mình đi làm ô sin bệnh viện chắc đắt khách, nghiệp vụ chuẩn thế này cơ mà!
8/9/2021
Những bệnh nhân nặng tới đây ban đầu ai cũng lo lắng, mệt mỏi, thậm chí hoảng sợ, hoang mang và không hợp tác. Có những bệnh nhân kéo khẩu trang, nhổ nước miếng, la hét và chửi bới nhân viên y tế. Ban đầu tôi rất sợ, nhưng các bác sĩ giải thích: sở dĩ bệnh nhân bị kích thích như vậy là vì họ khó thở, não thiếu ôxy nên thần kinh bị kích động, hoảng loạn. Chỉ cần trấn an, hướng dẫn họ cách thở, vỗ về tinh thần họ là được.
Hình như việc vỗ về tinh thần của chúng tôi cũng có chút tác dụng. Bác H (65 tuổi), một mình vào đây điều trị cứ một hai nhận tôi làm con nuôi. Bác bảo, thấy ấm lòng khi mỗi ngày có người hỏi han, an ủi, trò chuyện. Bác N (70 tuổi) trông cao to mà nhát, sáng nào tôi cũng chiêu đãi bác bằng một câu quen thuộc: ôi trời, hôm nay bác thở mạnh hơn hẳn này! Thế là bác cười tươi rói. Anh S (33 tuổi) nhập viện trong tình trạng rất nặng (bác sĩ bảo thập tử nhất sinh), sau 3 tuần cũng đỡ dần nhưng tập thở rất mệt mỏi. Biết anh yêu thơ, mỗi lần động viên tôi lại bảo: có lúc ngã lòng cứ vịn tay em mà đứng dậy. Vịn đúng theo nghĩa đen luôn. Bé B mới 7 tuổi, ngày nào cũng hỏi chị ơi bao giờ em được về nhà, ho nhiều vậy có chết không? Mới hơn 10 ngày làm tình nguyện, những bài học nhẫn nại mà tôi được học ở đây đã nhiều hơn hai mấy năm trước đó.
13/9/2021
Những bệnh nhân cuối cùng của bệnh viện dã chiến số 4 xuất viện |
Chứng kiến bác H không qua khỏi, tôi sốc. Rõ ràng cái người hôm qua còn cố gắng tập thở, lúc tỉnh táo còn gọi tôi “Út ơi, biết nghe cải lương không” giờ không còn nữa. Giường của bác trống không, nhưng chỉ chốc lát sau là lại có bệnh nhân thay thế. Đây không phải lần đầu tiên tôi chứng kiến một bệnh nhân COVID-19 mất, nhưng cảm xúc u ám này đeo bám tôi nặng nề quá.
Có lẽ phải lâu lắm nữa, rất lâu sau tôi mới có thể quen được với những mất mát này. Còn bây giờ buồn tạm vậy thôi, vì còn biết bao việc đang chờ. Mặc dù lượng bệnh nhân lúc này đang giảm dần, không còn quá đông như hồi tôi nhập viện điều trị, nhưng công việc không hề giảm. Y bác sĩ vẫn lướt qua lướt lại cả ngày (không phải đi, chính xác phải dùng từ lướt dành cho họ), nhiều người kiệt sức, có người hai ba tháng chưa được về nhà.
20/9/2021
Hôm qua chia tay các bệnh nhân ra viện, bịn rịn lắm. Bé B tặng chúng tôi mỗi người một cái hôn gió choách choách. Chị Tr chảy nước mắt bảo, về nhà chị sẽ nhớ đội tình nguyện lắm, sáng nào cũng hỏi: nay chị sao rồi, tối qua thở êm chưa, chiều em gội đầu cho chị nhé...! Nếu ở nhà không có con nhỏ thế nào chị cũng xin ở lại làm cùng tụi em.
Anh S sau thời gian điều trị tích cực đã tự đi được, không cần vịn tôi hay vịn câu thơ nữa. Anh còn có sức chọc Tuấn Anh khi thỉnh thoảng thấy cậu gọi điện thoại cho người yêu: “Yêu nhau ai chả muốn/ Gần nhau và hôn nhau/ Nhưng thành phố giãn cách/ Có làm được gì đâu”.
2/10/2021
Bệnh viện thưa người dần, mỗi ngày thấy các giường trống nhiều lên, cảm giác như máu trong huyết quản cũng phấn khích. Gặp ai cũng nghe: sắp ổn rồi. Sáng nay, có người còn ngâm nga “gió mưa, buồn thương, mùa đông và mây mù sẽ tan”, tự nhiên cũng muốn hát lên.
Nhưng cũng rất ngậm ngùi, nhớ những bệnh nhân mình từng chăm sóc không được cảm nhận không khí này. Nhớ nhất là bác H, những lúc tỉnh táo, bác hay bảo: khi nào hết dịch bác mời Út đi nghe show Lệ Thủy. Trông thế chứ bác ca cải lương cũng mùi lắm!
Mong bác ở nơi ấy có thể thở nhẹ nhàng, và ca một hơi cả trăm chữ, nghe bác!