Thử thách ngay trong tâm dịch, có lẽ là bài học lâm sàng nguy hiểm nhất, sinh động và hay nhất khi bước chân vào nghề. Họ đã đi và lăn lộn với một vũ khí mà đời người chỉ đến một lần: Tuổi trẻ!
Sức trẻ làm việc nghĩa
Hình ảnh đồng nghiệp nhiễm bệnh ngay tâm dịch khiến cô gái trẻ đứng ngồi không yên. Hai ngày sau khi gửi đơn xung phong đi chống dịch, cô mừng phát khóc, xếp hành lí, tư trang lên đường vào miền Nam “nóng bỏng”. Bác sĩ nội trú Nguyễn Thị Huyền muốn lao vào ngay phòng bệnh nhưng cô bỗng nhớ lời thầy “để bước vào cuộc chiến phải biết tự bảo vệ mình trước kẻ thù vô hình là virus”. “Hành trang của em là chiếc va li nhỏ đủ vật dụng cá nhân và kiến thức đã học trên giảng đường. Kiến thức bảo vệ mình trước đại dịch được tham khảo thêm kinh nghiệm từ các anh, chị đang thực hiện nhiệm vụ trong tâm dịch, em tin sẽ vượt qua khó khăn ở phía trước”, Huyền chia sẻ.
Thời điểm dịch COVID-19 nóng lên từng ngày, sinh viên, bác sĩ nội trú trường Đại học Y Hà Nội rần rần rủ nhau đăng kí đi chống dịch. Ngày đặt chân đến thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) gần 100 bác sĩ nội trú khóa 45 háo hức lắm.
Các bác sĩ nội trú cùng nghiên cứu về ca bệnh nặng |
Là nhóm trưởng của 97 bác sĩ nội trú, Nguyễn Thị Yến không giấu mong muốn tình nguyện vào tâm dịch vì “sức trẻ để làm việc nghĩa”. Năm tháng trên giảng đường trường Y đã tôi luyện cho cô gái trẻ và các bạn mình tinh thần sẵn sàng nhận việc khó. Trước ngày lên đường, những bạn trẻ ấy thực sự chưa hình dung hết phía trước đang chờ đón mình là gì, nhưng họ cũng vững tin bởi bên cạnh còn có thầy cô, những người đã truyền cho họ kinh nghiệm, nghị lực và khát khao được cống hiến. Tham gia vào mặt trận khốc liệt nhất, nơi có những bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy cơ lây nhiễm rình rập, họ biết mình đối diện với vô vàn nguy hiểm, rủi ro và áp lực nhưng vượt lên trên tất cả vẫn là cháy bỏng khát khao được cứu chữa đồng loại đang trong cơn bạo bệnh.
Không đơn độc
Bác sĩ nội trú Mai Thị Thùy Linh nhớ lại: “Dịch bệnh ai không sợ, nhưng khi xác định làm nghề này rồi mình còn sợ thì ai là chỗ dựa cho nhân dân trong hoàn cảnh khó khăn như thế này. Em chưa bao giờ hối hận khi đến đây”. Hơn ai hết, Linh hiểu mình không đơn độc khi chiến đấu với kẻ thù giấu mặt bởi cô đã thấy trước mình, sau mình, lớp lớp thế hệ bác sĩ trẻ trường Y và hàng chục nghìn đồng nghiệp khắp các tỉnh thành đang nỗ lực ngày đêm.
Là nhóm trưởng của 97 bác sĩ nội trú, Nguyễn Thị Yến không giấu mong muốn tình nguyện vào tâm dịch vì “sức trẻ để làm việc nghĩa”. Năm tháng trên giảng đường trường Y đã tôi luyện cho cô gái trẻ và các bạn mình tinh thần sẵn sàng nhận việc khó.
Bình Dương trở thành điểm nóng dịch bệnh với hàng ngàn ca mắc mới mỗi ngày, cùng với các y bác sĩ đến từ nhiều nơi, những bác sĩ nội trú phải làm việc gấp 2-3 lần so với bình thường. Mỗi ca trực họ phải theo dõi điều trị cho hàng trăm bệnh nhân và sẵn sàng làm luôn công việc của điều dưỡng, y tá để giúp bệnh nhân qua cơn khó thở. Bác sĩ nội trú trẻ của trường Đại học Y Hà Nội với tâm huyết, trách nhiệm, kiến thức vững thực sự trở thành lực lượng bổ sung quý báu cho thầy thuốc nơi tuyến đầu. Phạm Huy, chàng bác sĩ nội trú trẻ dáng người nhỏ nhưng giọng nói rất mạnh mẽ: “Mặc trên mình chiếc áo blouse trắng, tình nguyện vào vùng dịch dù biết khó khăn, vất vả ở phía trước chúng em luôn cố gắng phải hết mình”. Với tinh thần lăn xả ấy trong những ngày ở tâm dịch Bình Dương, các bác sĩ trẻ luôn duy trì năng lượng tích cực để động viên chính bản thân mình, động viên đồng nghiệp và cả bệnh nhân.
Các bác sĩ trẻ trong những ngày ở tâm dịch |
Có mặt tại Bình Dương trong những ngày “nước sôi lửa bỏng”, PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Giảng viên cao cấp Bộ môn Hồi sức cấp cứu kiêm Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chia sẻ với các bác sĩ nội trú: “Bỏ qua ta từ đâu đến, nông thôn hay thành phố, nội trú hay không, chuyên ngành này kia, điểm cao, điểm thấp, chúng ta vào đây là nhân viên y tế chuyên nghiệp, bác sĩ vẫn có thể làm việc của hộ lí. Với tinh thần mạnh mẽ về ý chí, khỏe về thể lực, có tấm lòng nhiệt huyết và sự dìu dắt của các thầy đi trước, chúng tôi tin các em sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hãy nỗ lực đóng góp sức trẻ, trái tim yêu thương của người thầy thuốc vào mặt trận không tiếng súng này”.
Hơn ai hết PGS.TS Hoàng Bùi Hải biết những khốc liệt, khó khăn, thậm chí mất mát ngày hôm nay sẽ là trải nghiệm quý giá, giúp học trò của mình trưởng thành hơn trong hành trình mang sứ mệnh cứu người. Anh đã truyền cho thế hệ nối tiếp ngọn lửa đam mê, tinh thần dốc lòng vì người bệnh bằng chính kiến thức và tình yêu nghề trong trái tim mình. Tôi đã nhìn thấy điều đó trong bao lần may mắn được làm “học trò dự thính” của anh. Những lời anh căn dặn dễ dàng khắc sâu trong tâm trí sinh viên, bác sĩ nội trú bởi sự chân thành. Vốn kiến thức và kĩ năng ấy đã trở thành hành trang cho những đồng nghiệp trẻ của anh, để họ tin mình không đơn độc, vững vàng và mạnh dạn vào trận để chiến thắng…
Đợt dịch thứ 4 bùng phát, 350 thầy và trò Trường Đại học Y Hà Nội lập tức có mặt ở Bình Dương, hàng trăm sinh viên lại có mặt ở TPHCM truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, xây dựng hệ thống dữ liệu, hỗ trợ tại các khu cách li, điều trị. Đến nay, hơn 1.400 sinh viên, học viên, cán bộ hỗ trợ các địa phương chống dịch COVID-19.
Dịch vẫn chưa yên. Nhìn những hình ảnh của họ vào tâm dịch, tôi nhớ câu hát “đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên” đã theo chân bao người lính năm xưa. Hòa bình, con cháu họ thay cha anh, lại lên đường, bởi đất nước mình như câu thơ của Trần Mạnh Hảo: “Mẹ đã tìm ra dải đất hình tia chớp - Chọn vùng tâm bão để sinh con”. Họ, những bác sĩ trẻ vào mặt trận không tiếng súng, kẻ thù giấu mặt, có khác gì người lính đối mặt với tia chớp tử sinh bất kì giữa mưa bom, bão đạn. Nhưng sứ mệnh không thể khác. Mà có như thế, họ mới chính là họ, mới chọn cái nghề dấn thân, không hối hận để giành giật sự sống.
Trên đôi vai thanh xuân, họ đi và đến. Chừng nào giấc mơ ngập hoa đón người bệnh từ cõi chết trở về, chưa đến, thì trái tim thanh xuân chưa ngừng thôi thúc họ…
PGS.TS Hoàng Bùi Hải hướng dẫn bác sĩ trẻ công tác điều trị bệnh nhân |