Trải qua các đợt dịch COVID-19, nhiều bạn trẻ khắp các tỉnh, thành, đặc biệt là sinh viên ngành Y, dược... đã hăng hái lên đường tham gia chống dịch tại các điểm nóng ở Hà Nội, Bắc Giang, Bình Dương, TPHCM,...
Ngoài ra, còn có sức trẻ của những tình nguyện viên tham gia trực chốt kiểm soát dịch, hỗ trợ tuyến đầu, mở siêu thị - gian hàng 0 đồng, ATM gạo, ATM Oxy, ngày đêm vận chuyển oxy cứu chữa người bệnh, vận chuyển nhu yếu phẩm, giúp đỡ người dân vùng phong tỏa, cách ly; hỗ trợ xét nghiệm, tiêm vắc xin...
Nhiệt huyết và tinh thần xông pha không ngại khó, không ngại khổ của các bạn trẻ trên khắp cả nước hỗ trợ công tác chống dịch trong năm qua thực sự đã truyền cảm hứng và chạm đến trái tim của nhiều người.
Bác sĩ Đặng Minh Hiệu
Là một trong hơn 200 y bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tình nguyện đăng ký tham gia tuyến đầu chống dịch COVID-19, BS. Đặng Minh Hiệu – Khoa Gây mê Hồi sức cùng các đồng nghiệp luôn trong tâm thế chủ động trước khi có lệnh điều động.
Ngày ngày theo dõi tin tức từ tâm dịch, thấu hiểu được sự phức tạp của đợt dịch lần thứ 4, BS Đặng Minh Hiệu - Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM luôn khao khát được góp sức cùng các đồng nghiệp nơi tuyến đầu chống dịch.
Trước khi lên đường, BS Hiệu quyết định cạo trọc đầu để đỡ nóng nực, vướng víu khi mặc đồ bảo hộ, đồng thời thuận tiện hơn trong quá trình làm nhiệm vụ. |
Khi nhận được lệnh điều động đến Bắc Giang hỗ trợ địa phương phòng, chống dịch COVID-19, bác sĩ TPHCM đã quyết định cạo trọc đầu để đỡ vướng víu khi làm nhiệm vụ.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa
Nhận thông báo khu mình đang sống bị phong tỏa lúc 0h đêm ngày 31/7, anh Nguyễn Trung Nghĩa (bác sĩ khoa Phẫu thuật Hàm mặt, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba) không thể đến cơ quan làm việc. Khi thấy tổ cung ứng hàng hóa trong địa bàn có nhiều cô chú đã có tuổi mà công việc này lại cần sức trẻ, không ngần ngại, anh liền đăng ký và dẫn dắt gần 30 bạn tình nguyện viên khác tham gia vào tổ cung ứng hàng hóa cho phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Mong muốn tham gia góp sức cùng đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu vào công cuộc đẩy lùi dịch bệnh chung, anh Nghĩa chọn cống hiến ở "vùng đệm" - cung ứng, đảm bảo vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm đến tận tay các hộ dân trong vùng bị phong tỏa để đảm bảo "ai ở đâu ở yên đó", hạn chế tối đa việc tiếp xúc trong cộng đồng. |
4 cô gái tuổi đôi mươi rủ nhau "cạo trọc tóc"
Gặp nhau ở TPHCM từ những miền đất khác nhau, nhóm 6 cô gái là Nguyễn Thị Mến (sinh năm 2000, quê ở Nam Định); Nguyễn Trần Ngọc Lan (sinh năm 2000, quê ở Bến Tre); Trần Ngọc Bích Phương (sống ở TP HCM); Phạm Thị Thùy Trang (sinh năm 1996, sống ở TP HCM); Lê Thị Đài Trang (sinh năm 1995 quê ở Bình Thuận); Phan Thị Sang (sinh năm 1998, quê ở Ninh Thuận) cùng tham gia góp sức với đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch từ ngày 22/7 tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (Quận 9, TP Thủ Đức).
Từ cùng ăn, cùng ở rồi "rủ nhau" cạo tóc để khi làm nhiệm vụ đỡ bị nóng và vướng, 4 trong 6 cô gái trên đã quyết định đánh đổi vẻ đẹp ngoại hình, cạo tóc xong mới dám thưa chuyện với bố mẹ.
“Mình không suy nghĩ nhiều, chỉ nghĩ đến việc tóc hơi vướng trong quá trình làm việc, rất mất thời gian cho việc gội đầu và phải đợi tóc khô rồi mới được đi ngủ. Mình nghĩ tóc rồi cũng mọc dài lại thôi, vào đây rồi ai mặc đồ bảo hộ cũng như ai, không ai biết mặt nhau như thế nào nữa, chỉ nhận dạng nhau qua ánh mắt, cử chỉ, và hành động. Cạo rồi mình mới báo cho gia đình biết, như là mọi chuyện đã rồi”, nữ tình nguyện viên Đài Trang nói. |
4 cô gái trẻ đều đến từ các trường cao đẳng, đại học khác nhau, có người đã đi làm nhưng đều tạm gác lại và ưu tiên công việc đi chống dịch lên hàng đầu. Có người chuẩn bị tốt nghiệp đại học, phải làm báo cáo khóa luận tốt nghiệp nhưng đã xin phép thầy cô nộp trễ để lên đường đi tình nguyện… |
Bác sĩ Võ Kế Đạt
Bác sĩ Võ Kế Đạt (sinh năm 1991) là cựu sinh viên Đại học Y dược TP.HCM và công tác tại khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ của Bệnh viện Trưng Vương đến nay đã được 5 năm. Dịch bệnh diễn biến phức tạp từ giữa tháng 6/2021, bệnh viện nơi anh Đạt công tác chuyển đổi công năng thành bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19. Vì thế, bác sĩ Đạt đã tham gia chống dịch cùng đồng nghiệp tại khoa Hô hấp của Bệnh viện Trưng Vương.
Bác sĩ trẻ tâm sự: "Không ai hiểu sự khốc liệt của bệnh dịch này bằng bọn mình đâu, nhưng đây là thực tế phải chấp nhận, có than thở khóc thương thì mất mát cũng đã và đang xảy ra rồi. Vậy thì sao không trao cho nhau những điều tích cực để chờ ngày "tái sinh trong mùa nắng mới"? Mình cũng cảm nhận sâu sắc những giá trị cuộc sống, có những điều tưởng như rất đơn giản mà mình gọi là "cuộc sống bình thường" giờ lại vô cùng đặc biệt. Bài học lớn nhất mình nhận được có lẽ là sự biết ơn cuộc đời". |
Cô giáo mầm non chuyển thực phẩm cho người dân khu cách ly
Thời điểm từ tháng 7 đến tháng 10, cô giáo Trần Thị Mỹ Duyên (30 tuổi) - Bí thư chi đoàn trường mầm non 1/6, phường Cái Khế (Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cũng tất bật từ sáng sớm để làm shipper hỗ trợ mang thực phẩm cho người dân trong khu cách ly, phong tỏa.
Cô giáo Duyên cho biết, lý do tham gia vì muốn giúp đỡ những người dân ở địa phương để tiếp thêm tinh thần cho họ cùng chống dịch, giúp họ an tâm về lương thực thực phẩm. "Những nơi có ca F0, F1 hay khu phong toả nguy hiểm thì nỗi lo của người dân về lương thực là hàng đầu nên em muốn gánh vác chút khó khăn giúp người dân thoải mái hơn trong điều trị bệnh và phòng chống dịch. Hơn nữa, người dân càng khó khăn khiến em càng quyết tâm giúp họ vượt qua trong dịch bệnh", Duyên chia sẻ.
Chân dung cô giáo mầm non trực tiếp tham gia hỗ trợ người dân. |
Hai tình nguyện viên giúp sản phụ 'mẹ tròn con vuông' trong khu cách ly
Tại khu cách ly trường THCS Thuận Giao (phường Thuận Giao, TP Thuận An) một thai phụ có biểu hiện sắp sinh. Trong tình hình cấp bách, hai tình nguyện viên gồm Phạm Mai Mi (SN 2002) và Nguyễn Hoàng Hiệp (SN 1999) đã trực tiếp đỡ đẻ cho sản phụ ngay tại khu cách ly.
Mặc dù trong điều kiện khu vực thiếu thốn các vật dụng, tuy nhiên, với sự hỗ trợ tích cực từ hai tình nguyện viên, sản phụ đã “vượt cạn” thành công.
Nam sinh vừa đi chống dịch, vừa bảo vệ luận văn tốt nghiệp online
Đời sinh viên của Ngô Tấn Hoàng Khoa có hơn 80 ngày đáng nhớ. Chàng sinh viên năm cuối ĐH Bách Khoa vừa đi tình nguyện, vừa bảo vệ luận văn tốt nghiệp online.
Nghỉ làm công việc thợ máy bảo dưỡng hàng không từ tháng 5/2021 cũng là lúc Khoa biết tin thành phố phát hiện chùm ca lây nhiễm. Vì có mong muốn được đóng góp sức trẻ đẩy lùi dịch bệnh nên nam sinh đã đăng ký tham gia tình nguyện.
Tuy đang trong giai đoạn làm luận văn tốt nghiệp nhưng Khoa vẫn xin đi tình nguyện với bộ "đồ nghề" đi kèm: sách, giáo trình để đọc, máy tính casio, sổ ghi, laptop để có thể làm luận văn... tại chỗ.
Ngô Tấn Hoàng Khoa bảo vệ luận văn tốt nghiệp trong khi đang tham gia tình nguyện. |
Khoa động viên, trò chuyện cùng các bệnh nhân trong khu cách ly THCS Nguyễn Văn Tố. |
Vẽ tranh lan tỏa tinh thần chống dịch
Những ngày đại dịch COVID-19 lần thứ 4 mới bùng phát ở TPHCM, Nguyễn Thị Hoa Trang (20 tuổi, quê An Giang) đã đăng ký tham gia làm tình nguyện viên chống dịch. Tuy nhiên, do chưa đủ điều kiện nên cô bạn không thể trực tiếp tham gia các hoạt động như những “chiến binh áo xanh – áo trắng” khác.
Hoa Trang cho biết cô cảm thấy buồn khi không thể cùng các bạn tình nguyện viên ngày đêm góp sức trẻ chống dịch. “Nhưng suy nghĩ lại, mình vẫn có thể góp phần truyền tải nguồn năng lượng tích cực của mọi người. Ở nhà cũng có thể đóng góp một phần công sức nhỏ”, nghĩ vậy, nữ sinh dùng chính khả năng của mình để cổ vũ tinh thần tuyến đầu đẩy lùi đại dịch.
Vốn là sinh viên ngành Thiết kế đồ hoạ (Trường Đại học Tôn Đức Thắng), Hoa Trang bỏ công sức, kỹ năng học được để chuyển tải những khoảnh khắc hoạt động của các tình nguyện viên thành những bức tranh sinh động, vui nhộn.
Nguyễn Thị Uyên
Nguyễn Thị Uyên, K17 Điều dưỡng (trường Đại học Tây Nguyên) tình nguyện tham gia tại bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 số 1 tỉnh Đắk Lắk đặt ở trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Một ngày làm việc của Uyên 6 tiếng tùy thời điểm, công việc chính là chăm sóc bệnh nhân.
Trước đó, Uyên đăng ký tham gia chống dịch tại tỉnh Bình Dương. Trong một tháng tình nguyện ở huyện Dầu Tiếng, nữ sinh làm trong khu điều trị bệnh nhân F0. “Sau khi tình nguyện trở về Đắk Lắk, tôi thực hiện cách ly theo quy định. Ở trong khu cách ly, Uyên viết đơn xin tình nguyện tại tỉnh nhà. Sau khi hoàn thành cách ly, tôi được phân công đến làm trong khu điều trị này”, Uyên thông tin. |
Tình nguyện viên không ngại xông pha đến các ổ dịch hỗ trợ tuyến đầu. |
Lê Tuấn Anh
Lê Tuấn Anh (sinh năm 2001) hiện theo học ngành Y đa khoa của Học viện Quân y. Chàng sinh viên Quân y hăng hái tham gia hỗ trợ chống dịch trong 2 giai đoạn: từ ngày 13 đến 15/09 (tại Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) và từ 23/9 - 5/10 (tại phường 12 và 26, quận Bình Thạnh).
Nhớ lại ngày đầu nhận thông báo đi chống dịch, Tuấn Anh "trở tay không kịp" khi phải sắp xếp đồ đạc trong 15 phút rồi lên đường luôn. |
Lê Tuấn Anh cùng đồng đội. |
Nguyễn Minh Hằng
Hàng ngàn sinh viên Hà Nội tình nguyện làm gia sư cho chương trình “Học cùng chiến binh nhí”, dạy trực tuyến miễn phí cho học sinh là con em y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Nổi bật trong số đó là bạn Nguyễn Minh Hằng, sinh viên năm 3, khoa Sư phạm, ngành Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội làm gia sư trực tuyến miễn phí cho em Bùi Tuấn Hùng, học sinh lớp 2A6, Trường Tiểu học và THCS Thăng Long.
Sinh viên Nguyễn Minh Hằng (Trường Đại học Thủ đô Hà Nội) tham gia chương trình “Học cùng chiến binh nhí”. |