'Những cây cam ngọt' lan hơi ấm, xua tan lạnh lẽo của đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những “cây cam ngọt” do người trẻ gieo trồng không chỉ lan hơi ấm, xua đi u ám và lạnh lẽo của đại dịch, nó còn góp phần tạo ra những mầm xanh trải dài khắp dải chữ S.

Cuốn sách nằm trong danh sách bán chạy nhất năm: “Cây cam ngọt của tôi” đã được nhiều người lấy để gọi tên các chương trình thiện nguyện kéo dài suốt thời gian cả nước căng mình chống dịch vừa rồi. Giống như những ẩn dụ trong sách, tình yêu thương có thể nâng đỡ và cứu giúp một con người, thậm chí thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người đó.

'Những cây cam ngọt' lan hơi ấm, xua tan lạnh lẽo của đại dịch ảnh 1

Trong số các bác sĩ này, rất nhiều người đã đi chống dịch vài ba tháng chưa được về nhà

Những ngày dịch bệnh căng thẳng thật không dễ dàng với bất kì ai. Bác sĩ Ngô Đức Hùng (người đã có mặt ở hầu hết các điểm nóng chống dịch suốt từ Bắc vào Nam) tổng kết: nỗi đau thương của năm 2021 đã đủ cho cả đời người... Khi được chọn một vài từ để nói về năm lịch sử này, anh tổng kết: vất vả, nhiệt huyết và hy sinh.

Chẳng thể chính xác hơn, đó dường như là những từ dành riêng cho “đội trồng cam ngọt” – một cách gọi trìu mến và bắt trend của Gen Z để chỉ các tình nguyện viên, những người đã tạo ra vô số câu chuyện ấm áp, đủ để sưởi ấm cả một thành phố khi cái lưỡi lạnh lẽo của thần chết quét qua.

'Những cây cam ngọt' lan hơi ấm, xua tan lạnh lẽo của đại dịch ảnh 2

Hai nữ tình nguyện viên chăm sóc một bà cụ F0 trên xe cấp cứu

Đa số họ không phải những người làm từ thiện chuyên nghiệp, họ chỉ đơn giản là những người trẻ nhiệt thành. Không quản vất vả, không quản nguy cơ lúc nào cũng có thể bị lây nhiễm, không quản cả tiếng bấc tiếng chì nghi ngờ động cơ làm từ thiện, nhốt mình trong bộ đồ bảo hộ nóng như rang suốt cả ngày đêm, những kẻ tóc xanh đã có mặt ở tất cả các điểm nóng của thành phố: phát cơm, đi chợ, khám bệnh, đưa thuốc, gặt lúa, dỗ em, mai táng người đã khuất... Vào những thời khắc ấy, tôi tin, tất cả những thanh niên đôi tám hai mươi này đều đã học xong bài học yêu tha nhân như yêu chính mình.

Trần Hoàng Long (28 tuổi), một thanh niên tình nguyện trong đội mai táng 0 đồng kể rằng, tháng đầu nghỉ dịch anh vẫn còn rúc trong phòng chơi game bù cho những ngày tháng phải làm ngày làm đêm. Cho đến khi có việc ra phố, thấy những thanh niên cùng tuổi với mình vất vả ngược xuôi chở bệnh nhân, giúp đỡ người già, trẻ nhỏ, anh thậm chí không kịp quay lại nhà mà gia nhập luôn vào đội quân ấy bất chấp sự can ngăn của bố mẹ. “Lúc đi học tôi nghe cô giáo nói về tinh thần nghĩa hiệp, về thương người như thể thương thân, đến tận lúc này mới hiểu được”, anh kể.

'Những cây cam ngọt' lan hơi ấm, xua tan lạnh lẽo của đại dịch ảnh 3

Trúc Ly trong một chuyến từ thiện bằng xe đạp

Nghĩa hiệp trong lời anh Long, là Trúc Ly, cô giáo mầm non 29 tuổi suốt sáu tháng không về quê Phú Yên tránh dịch mà ở lại TP.HCM, mỗi ngày đạp xe khắp các quận để giúp đỡ người khó khăn. “Tôi cứ đi ra khỏi nhà chứ không biết sẽ giúp ai. Nhiều khi định chạy qua giúp người này nhưng trên đường gặp vài ba hoàn cảnh khó khăn khác, lại chẳng thể làm ngơ”.

Một trường hợp “chẳng thể làm ngơ” mà Trúc Ly gặp là cụ ông bán bánh bột chiên trên lề đường, dịch bệnh không thể bán hàng, vợ chồng ông cụ và người con bị tâm thần sắp phải dọn đi nơi khác vì đã nợ tới nửa năm tiền trọ.

Sau cuộc trò chuyện, Ly đến tận nơi ở của vợ chồng cụ ông giúp họ giải quyết tiền nhà trọ. Cô còn kết nối với các mạnh thường quân mình quen để hỗ trợ gia đình này có chỗ trọ lâu dài.

Nghĩa hiệp còn như anh Bình Minh, người sáng lập nhóm thiện nguyện “Những chuyến xe yêu thương” chuyên hỗ trợ đưa bệnh nhân về quê hoặc từ nhà tới nơi điều trị. Nhóm mới thành lập nhưng đã thu hút khoảng 100 thành viên, cả nam và nữ, ở nhiều tỉnh, thành khác nhau. Hơn 1 năm qua, nhóm hoạt động đều đặn, ưu tiên đưa bệnh nhân ngoại tỉnh có hoàn cảnh khó khăn, điều trị lâu ngày trong các bệnh viện ở Thủ đô về tận nhà. Các tài xế đều dùng xe cá nhân, tự lo mọi chi phí xăng xe, cầu đường, thậm chí kêu gọi hỗ trợ thêm cho những hoàn cảnh đặc biệt.

Không trực tiếp có mặt ở tuyến đầu chống dịch, nhưng một cô gái nhỏ ở Hà Nội vẫn ngày đêm giữ điện thoại ở chế độ sẵn sàng để hỗ trợ theo dõi sức khỏe từ xa cho bệnh nhân nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại TP.HCM ngay từ giai đoạn đầu. Cô gái ấy là Đỗ Thị Thu Hằng (SN 1998), là sinh viên năm cuối ngành Dược.

Sau 3 tháng tham gia tình nguyện viên “Mạng lưới thầy thuốc đồng hành”, Đỗ Thị Thu Hằng đã hỗ trợ được khoảng hơn 300 bệnh nhân F0, F1. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân đã khỏi bệnh hoặc đủ điều kiện ngừng theo dõi nhưng vẫn muốn được Hằng gọi điện hằng ngày để hỏi, đáp về tình hình sức khỏe.

Từ tâm dịch, một bác sĩ miêu tả công việc của mình và đồng đội: “Mồ hôi vẫn lã chã rơi/ Cồn cào bụng đói, rã rời chân tay/ Mắt cay như hạt cát bay/ Từng giờ, từng phút, từng ngày… cố lên/ Trời sắp sáng, hết một đêm/ Thế là người bệnh sống thêm một ngày”. Nhờ những ngày chắt chiu bằng bao nhiêu mồ hôi và nỗ lực ấy, một đứa bé mới sinh ở đâu đó trong thành phố lại có cơ hội gặp mẹ sau suốt 2 tháng mẹ nó cùng các bác sĩ đấu tranh với sinh tử.

Thật khó để tưởng tượng, trong bối cảnh kinh hoàng vì chết chóc ấy, lại thiếu đi những nụ cười, cái nắm tay, và lòng tử tế. Không dễ đo đếm được những tử tế ấy cứu sống bao nhiêu người, nhưng chắc chắn một điều, nếu thiếu nó, những bi kịch sẽ không dừng ở đó.

"Tử tế, các đồng chí làm phim thân mến ạ, gốc của nó là từ chữ Hán. Chữ "tử" có nghĩa là những chuyện nhỏ bé. Chữ "tế" có nghĩa là những chuyện bình thường. Hai chữ "tử tế" gộp lại có nghĩa là cẩn thận từ những việc nhỏ bé, rồi do lâu đời ta đọc khác đi và nghĩa cũng khác đi. Sự tử tế, tử tế thật sự không phải là chuyện có tiền bạc hoặc muốn là có ngay. Nó cũng phải được học hành, được dạy dỗ, được tập luyện, kế thừa và gìn giữ. Tử tế như hoa thơm, hoa đẹp không thể thiếu được của cuộc đời. Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người - người tử tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang, hoặc siêu phàm". Đây là một trích đoạn trong phim “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy. Sau khi làm bộ phim này, nhiều người nói ông dũng cảm, ông lại bảo mình không nghĩ tới sự dũng cảm nào cả, mà việc tới thì phải làm, phải có trách nhiệm với đất nước. Và cũng bởi tình yêu quê hương đất nước, mong muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn, nên ông không có gì phải sợ, và làm phải bằng hết khả năng của mình trong công việc.

Câu chuyện của đạo diễn Trần Văn Thủy chắc cũng giống như câu chuyện của “đội trồng cam”. Không ai trong số những người trẻ ngược xuôi làm việc thiện đủ thời gian để cắt nghĩa động cơ, mục đích của mình. Như Hoàng Long kể, cơm còn chẳng kịp ăn, vì cứ nghĩ mình tranh thủ thêm một chút thì giúp thêm được một người.

Sự tử tế vô tư mà ấm áp ấy của họ đã gieo trồng niềm tin, sức mạnh và cả sự sống cho biết bao nhiêu người. Như nhân vật ông Bồ trong “Cây cam ngọt của tôi”, cho đến tận lúc chết, ông cũng không hình dung được tình cảm trìu mến của mình dành cho một cậu bé con lại có thể trở thành một cứu cánh, neo đậu trong lòng cậu cho đến mãi mãi về sau, biến một đứa nhỏ lớn lên trong bạo hành tàn bạo trở thành người cho đi sự trìu mến, “bởi nếu không có sự trìu mến thì cuộc sống chẳng còn gì đặc biệt nữa”.

MỚI - NÓNG
Phó Chủ tịch Cần Thơ: Báo cáo hằng ngày nhưng 'gỡ hoài không ra'
Phó Chủ tịch Cần Thơ: Báo cáo hằng ngày nhưng 'gỡ hoài không ra'
TPO - Dù cố gắng dồn sức tháo gỡ ngay đầu năm, tháo gỡ cơ chế chính sách, làm cật lực nhưng quy mô nền kinh tế vẫn không tăng hơn nhiều so với các năm trước. Điều đó, cho thấy sự lớn mạnh của thành phố vẫn còn chậm, các bước nhịp chưa được nhanh, chưa có hoạt động đột phá để nâng cao giá trị…