Cổ vật 2.000 tuổi, báu vật thời Trần sắp mở bán tại Hà Nội

TPO - Cổ vật “Bình đồng văn hóa Đông Sơn” (niên đại khoảng 2000 năm) sẽ được bán với giá khởi điểm gần 1 tỷ đồng. Trong khi đó, báu vật “Thạp gốm hoa nâu” đời nhà Trần (từ TK XIII – XIV) có giá khởi điểm là hơn 700 triệu đồng.

Lần đầu tiên UBND thành phố Hà Nội cho phép bán đấu giá cổ vật tại Hà Nội. Theo đó, 3 cổ vật được đem bán đấu giá là: “Bình đồng văn hóa Đông Sơn”, “Thạp gốm hoa nâu” đời nhà Trần, “Hộp pháp lam Hoàng Cung” từ thời nhà Nguyễn. Đây là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử, văn hóa thuộc dạng quý hiếm đang được lưu giữ.

“Bình đồng” là một hiện vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn. Cao toàn bộ 53,3cm, đường kính miệng: 15,7cm, đường kính thân 37cm, đường kính chân 34cm. Toàn thân trang trí chấm nổi như da cóc và 5 vành đai ở quanh miệng, cổ và thân bình. Vai trang trí nổi băng hoa văn hình tam giác, hai quai hình chữ U ngược. Chân trổ thủng trang trí hai băng hoa văn: phía trên là đàn hươu, phía dưới là đàn bò nối đuôi nhau. Giá khởi điểm của “Bình đồng văn hóa Đông Sơn” là 995.450.000 đồng.

Cổ vật 2.000 tuổi, báu vật thời Trần sắp mở bán tại Hà Nội ảnh 1 Bình đồng văn hóa Đông Sơn.

“Thạp gốm hoa nâu” là một tác phẩm nghệ thuật, rất tiêu biểu và đặc trưng của đồ gốm men nâu thời Trần. Thạp cao: 39,9cm, đường kính miệng: 22,7cm, đường kính đáy 20,5cm. Dáng “Thạp” hình quả nhót, miệng loe bẻ, vai bằng, trang trí nổi băng cánh sen kép, phía dưới là băng vạch ngắn song song cùng 6 quai mấu hình con đỉa. Toàn thân thạp phủ một lớp men màu trắng ngà, rạn, ngoài khắc vạch và tô nâu trang trí 3 băng hoa văn. “Thạp gốm hoa nâu” được đem bán đấu giá với giá khởi điểm là 740.800.000 đồng.

Cổ vật 2.000 tuổi, báu vật thời Trần sắp mở bán tại Hà Nội ảnh 2 Thạp gốm hoa nâu thời Trần.

"Hộp pháp lam" là một báu vật của Hoàng cung triều Nguyễn, được sử dụng để đựng những đồ để dâng, được sử dụng cho vua và Hoàng gia. Hộp có đường kính 36,5cm, cao 10,5cm, được làm bằng cốt đồng thau, hình cầu dẹt, gồm hai bộ phận: nắp và thân đế, trong phủ men xanh ngọc, ngoài phủ men lam và vẽ men nhiều màu. Giá khởi điểm của “Hộp pháp lam” là 532.450.000 đồng.

Ba cổ vật kể trên đã được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia giám định, thuộc sở hữu của nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Bá Thanh Long (Hải Phòng). Giá của ba cổ vật do người sở hữu tự định giá.

Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Đấu giá số 5- Quốc gia cũng đưa ra bán đấu giá Bộ trang sức với hai viên đá quý Ruby sao với giá khởi điểm 1.743.750.000 đồng. Đây là loại đá quý hiếm và hiện chỉ có vài nơi trên thế giới, trong đó có mỏ đá quý Tân Hương, tỉnh Yên Bái, Việt Nam. Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Hoàng Thế Ngữ, Chủ tịch Hiệp hội đá quý Việt Nam cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam có sàn đấu giá đá quý công khai, được nhà nước bảo hộ.

Ngoài ra cuộc bán đấu giá còn có những tác phẩm nghệ thuật do các nghệ nhân làng nghề quỳ vàng Kiêu Kỵ thuộc xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm làm ra. Năm pho tượng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn dát vàng được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm là 100 triệu đồng.

Cổ vật 2.000 tuổi, báu vật thời Trần sắp mở bán tại Hà Nội ảnh 3 Họp báo giới thiệu cuộc bán đấu giá "Một số cổ vật, tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao về lịch sử- văn hóa và Bộ trang sức gắn 2 viên đá Ruby sao Yên Bái, Việt Nam". Ảnh: Mạnh Thắng.

Buổi lễ đấu giá sẽ được tổ chức vào hồi 18 giờ ngày 19/8 tại khách sạn Hà Nội (Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội).

MỚI - NÓNG
Cuộc chơi mới trên thị trường bất động sản
Cuộc chơi mới trên thị trường bất động sản
TPO - Thị trường bất động sản đang chứng kiến sự điều chỉnh linh hoạt từ các chủ đầu tư khi nỗ lực hoàn tất việc tái cấu trúc, khẩn trương hoàn thiện pháp lý các dự án, tích cực triển khai khởi động các dự án mới, đa dạng hóa hoạt động M&A, mở rộng thị trường...