Cô giáo vượt 5 km đường mòn dốc đến trường bất kể nắng mưa, 15 năm bám bản dạy trẻ vùng cao

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cô giáo Đỗ Thị Loan tốt nghiệp ngành mầm non đã tình nguyện mang tri thức lên vùng cao, gắn bó với con trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đóng góp cho sự nghiệp "trồng người". Cô Loan được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2022.

Cô giáo Đỗ Thị Loan (SN 1984, quê Điện Biên) hiện là Phó hiệu trưởng Trường mầm non Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái.

Năm 2007, cô sinh viên quê Điện Biên Đỗ Thị Loan tốt nghiệp ngành Mầm non đã tình nguyện viết đơn lên vùng cao dạy học và được phân công về trường Tiểu học và THCS La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) có ba cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.

Cô Loan được giao chủ nhiệm lớp mẫu giáo 5 tuổi với 32 học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông điểm bản Trống Páo Sang. Đều đặn mỗi ngày, bất kể thời tiết nắng mưa, cô giáo trẻ vượt 5km đường mòn dốc hun hút đến điểm trường.

"Sau gần 1 tiếng vượt màn sương mù dày đặc, điểm trường dần hiện ra trước mắt cũng là lúc đôi chân của chúng tôi đã mỏi nhừ, có những ngày tấy đỏ vì lạnh. Cứ như vậy, mỗi ngày trôi qua có bao giọt nước mắt đan xen giữa niềm vui, hạnh phúc và tủi thân trong tôi", cô Loan kể.

Cô giáo vượt 5 km đường mòn dốc đến trường bất kể nắng mưa, 15 năm bám bản dạy trẻ vùng cao ảnh 1

Cô giáo Đỗ Thị Loan đã 15 năm gắn bó với trẻ vùng cao. Ảnh: NVCC

Không chỉ vượt qua những khó khăn, thiếu thốn của cơ sở vật chất, cô Loan còn vượt qua rào cản bất đồng ngôn ngữ, lớp ghép với nhiều độ tuổi. Cô giáo chưa có "chút kiến thức nào" về tiếng dân tộc Mông, trẻ cũng lạ lẫm tiếng phổ thông, hoàn toàn dùng tiếng dân tộc địa phương giao tiếp. Để hiểu và dạy trẻ, cô Loan đã nhanh chóng học tiếng địa phương; đồng thời nỗ lực nghiên cứu tài liệu, sử dụng song ngữ Tiếng Việt và tiếng dân tộc Mông trong quá trình dạy học.

Có lẽ chỉ những cô giáo mầm non vùng cao mới thấy rõ việc dạy lớp ghép có học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau càng khó. Những trẻ lớn hơn đã nhận thức được, còn trẻ nhỏ mới đi học cô giáo phải rèn từ cách ngồi, cách đi, cách nói. Lúc giảng vừa dạy tiếng phổ thông vừa nói tiếng dân tộc với trẻ; vừa làm vừa nói để trẻ hiểu và làm cùng. Sau những giờ tan học, chúng tôi lại sắp xếp thời gian để soạn giáo án, làm dụng cụ học tập, đồ chơi cho trẻ", cô giáo Đỗ Thị Loan.

Trong hành trình dạy học trên vùng cao, cô Loan còn nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy và học; đóng góp nhiều sáng kiến tổ chức các hoạt động góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa cho đồng bào dân tộc Mông. Theo đó, trong lớp có hình ảnh trang trí lớp học bằng hình ảnh trang phục của đồng bào dân tộc; mỗi tuần tổ chức các hoạt động múa hát giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông, "góc địa phương" mở phiên chợ vùng cao ở sân trường...

Đến nay, 15 năm công tác, với những đóng góp trong công tác giảng dạy, cô Loan đã nhiều lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Cô Loan là 1 trong số 68 giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) năm nay.

Cô giáo vượt 5 km đường mòn dốc đến trường bất kể nắng mưa, 15 năm bám bản dạy trẻ vùng cao ảnh 2

Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh trao khen thưởng cô giáo Đỗ Thị Loan trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2022 tại Hà Nội. Ảnh: Xuân Tùng

Cô giáo Đỗ Thị Loan đã 15 năm bám bản nuôi dạy trẻ vùng cao Mù Cang Chải, vượt qua nhiều khó khăn và hy sinh nhiều niềm hạnh phúc riêng tư khi phải xa gia đình, "bụng mang dạ chửa, một thân một mình, cuối tuần chồng lên thăm và cung cấp thực phẩm cho cả tuần"...

Đôi lúc cũng thoáng sự nhụt trí, nhưng những ánh mắt thơ ngây của trẻ nhỏ và sự động viên chia sẻ của chồng cùng công tác trong ngành Giáo dục là nguồn động viên lớn nhất, thôi thúc cô cố gắng nhiều hơn.

"Có một điều luôn canh cánh trăn trở trong tôi cũng như bao gia đình khác công tác trong ngành Giáo dục. Vào những ngày khai giảng năm học mới, nhìn những học trò vui vẻ, háo hức được cha mẹ dẫn tới trường, tôi lại thấy thương và nhớ các con vô cùng. Đến nay, tôi đã có hai cháu, cháu lớn đã học lớp 8 và cháu nhỏ học lớp 4. Do đặc thù hai vợ chồng tôi đều công tác trong ngành giáo dục mà bao năm không thể đưa hai con đến trường ngày khai giảng từ lúc mầm non lên tiểu học, rồi THCS..."


MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.