Cô giáo ngược núi gieo trang văn thắp sáng tri thức, ước mơ học sinh dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cô giáo trẻ Lê Na tốt nghiệp đại học đã ngược lên huyện biên giới phía Tây xứ Nghệ nhận công tác và gắn bó đến nay để gieo những trang văn thắp sáng tri thức, ước mơ cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.

Lên biên giới gieo chữ

Cô giáo Lê Na (SN 1982, quê huyện Con Cuông, Nghệ An) hiện giảng dạy tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

Năm 2005, cô sinh viên Lê Na tốt nghiệp ngành Ngữ Văn, Đại học Vinh háo hức xen lẫn hồi hộp ngược lên Kỳ Sơn - huyện biên giới phía Tây xứ Nghệ, nhận công tác và gắn bó đến nay.

Trong 17 năm làm nghề, cô Na có 15 năm gieo những trang văn, con chữ thắp sáng tri thức ở địa bàn đặc biệt khó khăn của miền đất Kỳ Sơn khởi nguồn của dòng Lam, có đỉnh Phuxailaileng cao hơn 2,7 nghìn mét được ví "nóc nhà" của xứ Nghệ...; nơi sinh sống của 5 dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Kinh và Hoa.

"Những năm đầu tiên tôi giảng dạy ở trường THCS Mường Lống, cách trung tâm thị trấn gần 60km, học sinh đều là con em đồng bào dân tộc Mông.

Thử thách với giáo viên trẻ vừa ra trường công tác ở vùng đồng bào dân tộc không phải là khí hậu khắc nghiệt, điều kiện sống thiếu thốn không điện, nước mà là đọc và nhớ tên học sinh, giao tiếp và giảng dạy kiến thức khi vốn từ phổ thông của các em có phần hạn chế", cô Lê Na.

Cô giáo ngược núi gieo trang văn thắp sáng tri thức, ước mơ học sinh dân tộc thiểu số ảnh 1

Cô giáo Lê Na có 15 năm công tác ở vùng đặc biệt khó khăn ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

Cô Na bộc bạch, nghề giáo viên là một nghề vất vả, giáo viên công tác ở vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số lại càng nhiều khó khăn. Khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ, đường sá cách trở do địa hình đồi núi, kinh tế và nhận thức người dân còn nhiều hạn chế...

"Người dân Kỳ Sơn rất nghèo cộng thêm thiên tai quanh năm nên gia đình các em đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Các em phải đi bộ đến trường từ 5 đến 10km, nhiều học sinh phải nghỉ học để phụ giúp việc nhà cho bố mẹ… Giáo viên phải tiếp cận, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình để giúp đỡ học sinh đến trường", cô Na nói.

Trong hành trình truyền dạy kiến thức cho học sinh vùng cao, cô Na và nhiều đồng nghiệp khác còn vượt qua những thách thức, khó khăn của đại dịch COVID-19. Hai năm dịch COVID-19, cả huyện Kỳ Sơn phải nghỉ học để chống dịch, trường thì thiếu thốn về cơ sở vật chất, không có thiết bị hỗ trợ dạy và học trực tuyến.

Cô Na và giáo viên trong trường phải mang sách và bài tập đến từng nhà học sinh, hướng dẫn và động viên các em cố gắng học tập. Dịch bệnh vừa qua, trận lũ lụt kinh hoàng ụp xuống Kỳ Sơn, phá hủy hàng trăm ngôi nhà của giáo viên và của học sinh; cuốn trôi và làm hư hỏng trang thiết bị học tập của trường...

Khó khăn chất chồng, nhưng với tình yêu làm nghề dạy học, niềm vui được giảng dạy đúng chuyên ngành đào tạo, và sự thấu hiểu những thiệt thòi của học sinh vùng khó, cô Na nỗ lực nhiều hơn.

Công tác ở vùng khó khăn, thấu hiểu được sự thiếu thốn và thiệt thòi của học sinh nơi đây, tôi càng cảm nhận rõ ràng hơn ý nghĩa của nghề giáo viên. Sợ các em vì khó khăn mà phải nghỉ học để theo cha, mẹ lên nương, lên rẫy nên tôi tự nhủ là giáo viên ở miền núi càng phải trách nhiệm hơn", cô Na cho hay.

Lan tỏa giá trị sống, kỹ năng và niềm tin

Cô Lê Na đã không ngừng học tập và trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, tiếp cận với những đổi mới trong dạy học, khắc phục mọi khó khăn với một mục tiêu chung của ngành Giáo dục Kỳ Sơn là từng bước nâng cao chất lượng học sinh niềm núi, không để học sinh phải bỏ lại phía sau trên con đường chiếm lĩnh tri thức.

Cô Na cho rằng, giáo viên không chỉ là người dạy kiến thức một môn học mà qua hoạt động giáo dục để trang bị kỹ năng, giá trị sống giúp học sinh tự tin vào bản thân, mạnh dạn trong các hoạt động. Ngược lại, học sinh sẽ tiếp thêm "lửa nghề", hạnh phúc cho giáo viên. Cô Na luôn tìm tòi đổi mới phương pháp giảng, hình thức tổ chức dạy học; có các sáng kiến, kinh nghiệm về phương pháp dạy tiếng Việt, truyền thống văn hóa... đạt bậc 3 cấp huyện, được ứng dụng vào thực tế và đồng nghiệp đón nhận.

Qua từng bài giảng, hoạt động ngoại khóa, cô Na đã khơi tình yêu văn chương, tình yêu quê hương đất nước và trân trọng các nét đẹp trong phong tục, văn hóa của dân tộc. Đồng thời, gieo ước mơ và động lực để học sinh vượt khó tích cực học tập để cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần xây dựng bản làng quê hương.

Năm 2018, cô giáo Lê Na được điều động về giảng dạy tại Trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn - trường nội trú duy nhất của huyện Kỳ Sơn, đào tạo và nuôi dưỡng hơn 300 học sinh được tuyển chọn từ các xã trong huyện. Năm học 2021-2022, đội tuyển môn Ngữ văn lớp 9 do cô Na bồi dưỡng có 6 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp huyện (1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba, 1 giải Khuyến khích); có 3 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh (1 Thủ khoa, 2 giải Nhì).

Với những đóng góp trong công tác, cô Na nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện; năm 2020 là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, bậc THCS.

Cô giáo ngược núi gieo trang văn thắp sáng tri thức, ước mơ học sinh dân tộc thiểu số ảnh 2
Đại diện Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Tập đoàn Thiên Long trao quà cho thầy, cô giáo và học sinh giáo viên Trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn.
Cô Lê Na là một trong số 68 giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Lễ tuyên dương sẽ diễn ra dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) năm nay.
MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.