Các thiết bị sẽ được lấy từ kho dự trữ hiện có của Mỹ, bao gồm nhiều loại vũ khí, đạn dược…, theo một tuyên bố từ Ngoại trưởng Antony Blinken.
“Cùng với các đồng minh và đối tác của mình, chúng tôi tiếp tục cung cấp những vũ khí và thiết bị mà lực lượng Ukraine đang sử dụng rất hiệu quả trong bối cảnh họ tiếp tục chiến dịch phản công”, ông Blinken cho biết.
Gói viện trợ quân sự mới bao gồm đạn dược bổ sung cho hệ thống pháo phản lực phóng loạt cơ động cao HIMARS mà Ukraine đã sử dụng để tấn công nhiều trung tâm hậu cần, sở chỉ huy và kho đạn của Nga.
Gói cũng bao gồm hàng chục nghìn viên đạn pháo 105mm thông thường, 1.000 viên đạn 155mm chính xác cao, hệ thống chống máy bay không người lái, mìn chống bộ binh, vũ khí nhỏ và đạn dược, kính nhìn đêm và thiết bị chống rét khi mùa Đông đang đến gần.
Trước đó một tuần, Lầu Năm Góc đã công bố một gói hỗ trợ khác trị giá 675 triệu đô la, bao gồm đạn bổ sung cho HIMARS cũng như hàng chục nghìn viên đạn pháo.
Ở thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn chưa gửi đạn ATACMS tầm xa cho Ukraine để sử dụng với hệ thống HIMARS, bất chấp yêu cầu liên tục từ Kiev. ATACMS có tầm bắn gần 320km, có khả năng tấn công sâu trong lãnh thổ Nga.
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết bệ phóng HIMARS cùng với tên lửa GMLRS, có tầm bắn khoảng 64 km, là thứ mà Mỹ nên tập trung viện trợ cho Ukraine ở thời điểm hiện tại.
Kể từ khi Nga khai màn chiến dịch quân sự hồi cuối tháng 2 đến nay, Mỹ đã cung cấp 15,1 tỷ đô la hỗ trợ an ninh cho Ukraine.
Cũng trong ngày 15/9, Lầu Năm Góc công bố một hợp đồng trị giá 311 triệu đô la với Lockheed Martin và Raytheon để bổ sung kho tên lửa chống tăng Javelin đã cạn kiệt do viện trợ cho Kiev.