Kể từ sau vụ ám sát Tổng thống Mỹ William McKinley năm 1901, Quốc hội Mỹ đã giao nhiệm vụ cho Cơ quan Mật vụ chịu trách nhiệm bảo vệ người đứng đầu Nhà Trắng. Và đến nay, theo BBC, đây là nhiệm vụ chính của cơ quan này.
Từ thời điểm một chuyến đi được thảo luận tại Nhà Trắng, các nhân viên Mật vụ bắt đầu phải lên kế hoạch cho nhiều kịch bản an ninh khác nhau. Các kế hoạch được lập nên và không ngừng cập nhật, điều chỉnh theo những tin tức tình báo mới.
Khi tổng thống Mỹ thực sự xuất hiện, đi theo tháp tùng là một phi đội không quân nhỏ, một phái đoàn khổng lồ phụ tá cùng một đoàn xe chống đạn. Trong số này, có những chiếc xe limo chuyên dùng dành riêng cho ông chủ Nhà Trắng, một xe cứu thương quân đội và một xe thông tin chất đầy các thiết bị liên lạc tối tân.
Người tiền nhiệm của ông Obama, cựu Tổng thống George W. Bush thường công du nước ngoài với khoảng 250 nhân viên mật vụ được vũ trang hạng nặng, hàng chục cố vấn và nhiều đội chó nghiệp vụ. Kể cả các đầu bếp của Nhà Trắng cũng đi theo. Tổng thống Obama trong các chuyến công du cũng được bảo vệ bởi lực lượng tương tự.
“Khi tổng thống công du, Nhà Trắng đi theo cùng ông ấy, từ những chiếc ô tô, tới nước ông ấy uống, loại xăng xe ông ấy dùng và cả thực phẩm”, John Barletta, cựu nhân viên mật vụ dưới thời tổng thống Ronald Reagan, từng phụ trách tổ chức các chuyến đi nước ngoài cho biết.
Dan Emmett, một cựu nhân viên Mật vụ với 21 năm kinh nghiệm, từng đảm bảo an ninh cho 3 đời tổng thống Mỹ George H.W. Bush, Bill Clinton và George W. Bush, cho biết bảo vệ cho một chuyến công du nước ngoài khó khăn gấp 20 lần những chuyến đi trong nước.
Các nhân viên Mật vụ kiểm tra đảm bảo an ninh trên cao cho một chuyến công du của ông Obama. Ảnh: AP
“Về cơ bản bạn có khoảng 2 tuần để đi tiền trạm cho một chuyến đi nước ngoài”, Emmett chia sẻ với tờ The Daily Beast. “Công việc chuẩn bị trước khi đi tiền trạm diễn ra nhiều tuần trước đó, có rất nhiều công việc phải hoàn tất: từ thị thực, hộ chiếu, giấy phép sử dụng vũ khí, và những việc tương tự”.
Trong 21 năm là nhân viên mật vụ, Emmett đã đi rất nhiều quốc gia, nhưng ông cho biết không hề có bất kỳ ký ức vui vẻ nào, bởi hoàn toàn chỉ có công việc. “Một chuyến đi tiền trạm ở nước ngoài hoàn toàn khác (một chuyến đi du lịch). Bạn sẽ phải tới một quốc gia, mà trong rất nhiều trường hợp, bạn không muốn đến đó một mình. Bạn sẽ phải làm việc hầu hết thời gian”, Emmett chia sẻ.
“Đôi lúc bạn sẽ phải ứng phó với khác biệt múi giờ từ 7-8 tiếng. Cơ thể bạn hoàn toàn bị đảo lộn 180 độ. Bạn không biết khi nào sẽ ăn trở lại, không biết khi nào sẽ ngủ trở lại. Rất nhiều lần bạn sẽ phải đốt cháy năng lượng dự trữ, lái xe chỉ với sức mạnh ý chí và adrenaline.
Vượt qua thử thách về thể chất là một trong những thách thức lớn trong các chuyến công du nước ngoài. Ngoài ra, không phải lúc nào việc phố hợp với những người sở tại cũng suôn sẻ. Do đó với tôi không có chuyến đi nào thú vị”.
Sẵn sàng đỡ đạn
Dan Bongino, một cựu nhân viên Mật vụ với 12 năm kinh nghiệm, từng bảo vệ Tổng thống Obama và người tiền nhiệm Bush, cho biết ông và các đồng nghiệp được huấn luyện để “trở lên to hơn” theo nghĩa đen.
Dan Bongino (trái) mở cửa xe cho Tổng thống Obama khi còn làm nhiệm vụ. Ảnh: FB
Điều này có nghĩa là khi một vụ nổ súng diễn ra và mọi người ngồi sụp xuống tránh né, nhân viên mật vụ sẽ phải dang rộng mình hết mức có thể để đón lấy viên đạn. Một ví dụ có thể được thấy trọng đoạn phim tư liệu về vụ ám sát cựu Tổng thống Reagan năm 1981.
Khi đó, trong lúc các nhân viên cảnh sát và quân đội sụp xuống né tránh, mật vụ Tim McCarthy đã đứng dang rộng tay, chân và đưa thân trên vào đường đạn và hứng trọn. Viên đạn trúng vào ngực phải và ông phải phẫu thuật, nhưng sau đó bình phục.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh CBS tháng 6/2004 khi Reegan qua đời, ông cho biết. “Tại Cơ quan Mật vụ chúng tôi được huấn luyện để che chắn và di tản tổng thống. Và để che chắn cho tổng thống, bạn phải dang rộng mình nhất có thể, thay vì cụp xuống. Do đó tôi phải nói rằng nhiều người từng hỏi tôi, và tôi cũng trả lời rất trung thực, rằng có lẽ việc tôi làm không liên quan đến lòng dũng cảm. Thay vào đó phản ứng đó rất nhiều là do huấn luyện”.
Ông Bongino tiết lộ: “Những đặc vụ giỏi mà tôi biết luôn diễn tập trong đầu mình. Họ tự nhủ rằng: nếu có tiếng súng, tôi sẽ túm lấy tổng thống, xoay người sang bên trái rồi đi thật nhanh về cuối hành lang. Nếu có ai đó đứng dọc hai bên hàng rào an ninh bắt tay quá mạnh, tôi sẽ tóm ngón cái của họ kéo lại. Bạn cứ lặp đi lặp lại điều đó trong đầu để đến khi sự việc xảy ra bạn chỉ hành động”.
Đáng chú ý hơn, ông Bongino cho biết các nhân viên mật vụ không muốn kết bạn hay thân thiết với đối tượng họ bảo vệ. “Bạn thực sự không nên. Bạn hầu như chỉ muốn nhìn họ như một robot, và không có chút cảm xúc nào”.
Và theo cựu mật vụ này, khi thực sự xảy ra nổ súng, nhân viên mật vụ chỉ có một nhiệm vụ là đảm bảo cho sinh mạng của tổng thống và di tản nhanh nhất có thể.
“Nếu bạn rút vũ khí ra để bảo vệ tổng thống, sẽ có rất nhiều rắc rối. Chúng tôi không phải vệ sỹ. Nếu bạn tính tới công việc của vệ sỹ và những bảo vệ bằng vũ lực, thì rõ ràng kế hoạch tiền trạm đã có gì đó không ổn. Chúng tôi không có mặt ở đó để chiến đấu, chúng tôi ở đó để chạy”.