Bộ GD&ĐT cho hay, đến hết năm 2021, cả nước có 408 chương trình LKĐT với nước ngoài đang hoạt động. Nếu phân loại theo quốc gia, nước Anh đang dẫn đầu về số lượng chương trình liên kết với các trường của Việt Nam (101 chương trình); tiếp sau là Mỹ 59 chương trình; Pháp 53 chương trình; Úc 37 chương trình và Hàn Quốc 27 chương trình. Nếu chia theo nhóm ngành đào tạo, ngành Kinh tế và Quản lý vẫn chiếm đa số với 64%. Nhóm ngành Khoa học và Công nghệ chiếm 25%; nhóm ngành Khoa học xã hội và Nhân văn chiếm 8% và các ngành khác chỉ chiếm 3%.
Sinh viên theo học chương trình Cử nhân liên kết đào tạo quốc tế Việt Hàn của Trường ĐH Ngoại thương. Ảnh: FTU |
Về chương trình LKĐT với nước ngoài, Bộ GD&ĐT chỉ ra 3 tồn tại cần khắc phục. Theo đó, trong gần 180 cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài LKĐT với 86 cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam, không có nhiều cơ sở xếp thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới. Có tới 62,7% cơ sở giáo dục ĐH đối tác không được xếp hạng hoặc nằm ngoài danh sách 1.000 trường ĐH trên thế giới (theo bảng xếp hạng của QS World University Ranking và Times Higher Education năm 2021), 6,2% cơ sở xếp hạng 1.000+. Chỉ có 9% số cơ sở xếp hạng 501-1.000; 9% số cơ sở xếp hạng 301-500; 9,6% số cơ sở xếp hạng trong 100-299; có 6 cơ sở được xếp hạng trong top 100 thế giới tại bảng xếp hạng của QS Ranking năm 2021.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2015-2021, kết quả điểm trúng tuyển đầu vào chương trình LKĐT thấp hơn nhiều so với các chương trình đào tạo hệ đại trà trong nước ở trình độ ĐH cùng ngành, cùng cơ sở giáo dục ĐH. Nhiều chương trình LKĐT chỉ cần ứng viên dự tuyển tốt nghiệp THPT với điểm học bạ trung bình từ 6,5 trở lên, không yêu cầu kết quả thi tốt nghiệp THPT và chứng chỉ ngoại ngữ.
Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận, qua quá trình thực hiện LKĐT vừa qua, hệ thống giáo dục ĐH của Việt Nam ít thu được những tác động tích cực từ các chương trình LKĐT với nước ngoài. Cụ thể là không lan tỏa được chất lượng đào tạo cho các chương trình trong nước, không nâng cao được năng lực chuyên môn (giảng dạy và nghiên cứu khoa học) và năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý.
Không nên chạy theo xếp hạng
Theo phân tích của giới chuyên môn, các chính sách về LKĐT với nước ngoài ở Luật Giáo dục ĐH 2018 và Nghị định số 86 (quy định về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục) đang tập trung vào điều kiện để thành lập một chương trình LKĐT, chưa đặt ra các điều kiện để nâng cao chất lượng. Trong khi số lượng các chương trình LKĐT với nước ngoài tăng mạnh, đội ngũ nhân sự và chuyên môn tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra còn thiếu. Hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng ở Việt Nam còn bộc lộ những hạn chế.
TS Phạm Hiệp đề nghị cần phải có hành lang pháp lý chặt chẽ hơn để ràng buộc trách nhiệm giữa chương trình LKĐT nước ngoài với cơ sở trong nước thực hiện liên kết. Có như thế, đội ngũ giảng viên trường trong nước mới được hưởng lợi về mặt chuyên môn từ các chương trình này. Dù đã có hơn 400 chương trình LKĐT nước ngoài nhưng chưa chương trình nào thành lập nhóm nghiên cứu để mang lại giá trị lâu dài cho các trường ĐH tại Việt Nam về mặt khoa học.
Tính đến ngày 30/6, website của Bộ GD&ĐT công bố danh sách 778/8.000 chương trình đào tạo các trình độ và hình thức đào tạo chương trình được kiểm định chất lượng theo chuẩn trong nước và quốc tế, nhưng chưa có chương trình LKĐT với nước ngoài nào trong danh sách. Đây là thách thức cho việc đẩy mạnh kiểm định chất lượng cho các chương trình LKĐT với nước ngoài. Trong khi Luật Giáo dục ĐH 2018 yêu cầu ngay sau khi có sinh viên tốt nghiệp chương trình LKĐT với nước ngoài phải được kiểm định chất lượng và phải kiểm định định kỳ.
Theo TS Phạm Hiệp, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia, điều quan trọng của một chương trình liên kết không phải là xếp hạng mà là việc các ĐH đối tác có được kiểm định hoặc công nhận chất lượng bởi cơ quan chức năng ở nước sở tại hay không. Bảng xếp hạng mà Bộ GD&ĐT đề cập là bảng xếp hạng toàn cầu nhưng các ĐH này vẫn có thể nằm trong các xếp hạng khu vực hoặc quốc gia.