Chủ tịch tỉnh Bình Dương: Y tế quá tải nhưng tuyệt đối cấm đóng cửa, từ chối bệnh nhân

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Liên quan đến trường hợp một bệnh nhân tử vong do đột quỵ trước khi đến một số cơ sở y tế nhưng bị từ chối, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết ông rất đau xót khi nhận thông tin. Lãnh đạo Bình Dương cho biết, do đối phó với dịch bệnh nên các cơ sở y tế quá tải, song ông đề nghị tuyệt đối không được nơi nào tự ý đóng cửa, đuổi bệnh nhân.

Ngày 16/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho hay đã đề nghị ngành y tế địa phương nhìn từ vụ việc một bệnh nhân vừa tử vong tại TP Dĩ An để khắc phục, chấn chỉnh không để trường hợp tương tự xảy ra. Theo ông Minh, dù nguyên nhân xuất phát từ đâu đi nữa, quan trọng nhất vẫn là hướng khắc phục, xử lý, làm sao để người dân có cảm giác an tâm nếu ai đó không may bị bệnh.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, hơn một tháng nay, các cơ sở y tế, đội ngũ y, bác sĩ phải căng mình vừa chống dịch vừa cấp cứu bệnh thông thường, hầu hết đều rơi vào tình trạng quá tải.

“Cán bộ, nhân viên các cơ sở y tế chịu rất nhiều áp lực, điều này ai cũng biết và ghi nhận. Tuy nhiên, trên tinh thần không để bệnh nhân nào phải nằm ở nhà, tỉnh đã chỉ đạo tuyệt đối không được cơ sở y tế nào tự ý đóng cửa hoặc đuổi bệnh nhân đi. Không để xảy ra việc đùn đẩy bệnh nhân”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết.

Chủ tịch tỉnh Bình Dương: Y tế quá tải nhưng tuyệt đối cấm đóng cửa, từ chối bệnh nhân ảnh 1

Cơ quan chức năng đến động viên, hỗ trợ 20 triệu đồng để gia đình lo hậu sự cho bệnh nhân tử vong. Được biết, sau khi biết hoàn cảnh gia đình bệnh nhân khó khăn, một số mạnh thường quân đến hỗ trợ

Liên quan đến việc cấp cứu bệnh nhân, TS.BS Nguyễn Hồng Chương – Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho hay đã yêu cầu các cơ sở y tế không được từ chối bệnh nhân. Đối với bệnh nhân cấp cứu phải giữ bệnh nhân lại, sơ cấp cứu, thăm khám ban đầu, nếu bệnh nhân nặng vượt quá khả năng của cơ sở thì chuyển viện lên tuyến trên.

Theo bác sĩ Chương, ngay cả Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương là tuyến trên cũng đang rơi vào tình trạng quá tải. Cơ sở y tế này vừa điều trị bệnh nhân COVID-19 ở "tầng 3" vừa chữa bệnh thông thường với rất nhiều bệnh nhân, do đó các phòng khám, cơ sở y tế tuyến dưới chuyển lên cũng phải chờ theo thứ tự, trong đó ưu tiên ca bệnh nặng cần cấp cứu gấp.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương, tới đây sẽ sắp xếp lại cơ sở y tế, một số nơi chuyên điều trị COVID-19, nơi dành riêng chữa bệnh thông thường. “Ngành y tế sẽ thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời nếu cơ sở y tế nào tự ý đóng cửa hoặc không nhận bệnh. Qua đây, chúng tôi mong muốn người dân cảm thông, đồng lòng để cùng nhau vượt qua giai đoạn đầy khó khăn này”, TS.BS Nguyễn Hồng Chương bày tỏ.

Bị tố không nhận bệnh, các cơ sở y tế nói gì?

Liên quan đến trường hợp ông N.D (57 tuổi) tử vong được xác định do đột quỵ. Người nhà ông D. cho rằng đã đến nhiều cơ sở y tế nhưng không được tiếp nhận và tử vong vào đêm 14/8. Chiều 15/8, làm việc với cơ quan chức năng, Trung tâm Y tế TP Dĩ An (nơi đầu tiên bệnh nhân đến) cho rằng không tiếp nhận bệnh khác do đang điều trị bệnh nhân COVID-19, sợ bị lây chéo.

Điểm tiếp theo bệnh nhân tới là Phòng khám đa khoa Ngọc Hồng. Đơn vị này giải thích sau khi tiếp nhận bệnh nhân, test nhanh COVID-19 (âm tính) và biết bệnh nhân có tiền sử bệnh nặng (ông D. bị cao huyết áp, từng bị đột quỵ), nên bác sĩ nói vượt quá khả năng của phòng khám và nói gia đình đưa ông D. tới bệnh viện tuyến trên. Lý do không dùng xe cứu thương di chuyển bệnh nhân do phòng khám lúc bấy giờ cả hai xe đã vận chuyển bệnh nhân khác.

Bệnh viện Quân đoàn 4 (điểm thứ 3 bệnh nhân đến) thì cho rằng khi bệnh nhân đến cũng là lúc bệnh viện vừa cấp cứu xong cho một ca F0 diễn biến nặng, vừa chuyển viện lên tuyến trên, chưa khử khuẩn nên sợ lây nhiễm cho bệnh nhân. Do đó, đã hướng dẫn người nhà đưa đi nơi khác.

Bệnh viện đa khoa An Phú phủ nhận cáo buộc không tiếp nhận bệnh nhân, đồng thời cho biết đơn vị ngoài việc chữa bệnh thông thường còn tham gia điều trị COVID-19.

Điểm cuối cùng là Phòng khám Nam Anh cho rằng, đêm 14/8 bảo vệ phòng khám có gặp một người chạy đến hỏi có nhận bệnh không. Khi nghe người dân nói bệnh nặng đã đi nhiều nơi nhưng từ chối thì bảo vệ khuyên nặng quá chuyển gấp đến bệnh viện tỉnh cho an toàn. Người nhà sau đó không đi tiếp mà chở bệnh nhân quay về nhà, đến rạng sáng 14/8, ông D. qua đời.

Các bệnh viện, phòng khám ở TP Dĩ An tiếp nhận bệnh thông thường: Bệnh viện Quân đoàn 4; Bệnh viện Hoàn Hảo; Phòng khám đa khoa Nam Anh (Gần công viên Depo xe lửa Dĩ An); Phòng khám đa khoa Ngọc Hồng (Gần ngã 3 Trung tâm Dĩ An); Phòng khám Y dược An Sài Gòn (Đường ĐT 743); Phòng khám Phúc Tâm (Đường Lê Hồng Phong gần ngã 4 Chiêu Liêu); Phòng khám Perfect 5 (Đường Trần Hưng Đạo); Phòng khám Đa khoa Dĩ An (Quốc lộ 1K); Phòng khám đa khoa Vũ Cao (Đường Nguyễn Trãi); Phòng khám đa khoa Medic (Đường Lê Trọng Tấn, P. An Bình).

MỚI - NÓNG