Sau khi vận hành 500 giường, số ca mắc COVID-19 cần điều trị tiếp tục tăng cao, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TPHCM (chuyển đổi công năng từ Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 trên địa bàn thành phố Thủ Đức) đang chuẩn bị phương án tiếp tục nâng lên 700 giường bệnh để kịp thời tiếp nhận, điều trị cho các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Sáng 9/8, báo cáo trong buổi họp giao ban trực tuyến với Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TPHCM, Sở Y tế thành phố cùng một số bệnh viện tuyến trung ương trên địa bàn, BS CKII Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện đang kiêm nhiệm công tác tại bệnh viện Hồi sức COVID-19 cho biết, từ khi được đưa vào hoạt động đến nay bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho 1.031 bệnh nhân, phần lớn trong số đó là các trường hợp rất nặng, nguy kịch.
Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cần tăng thêm nhân lực để đáp ứng chuyên môn khi tăng thêm 200 giường. |
“Hiện bệnh viện đang điều trị cho 582 bệnh nhân, trong đó có 129 trường hợp thở máy, 11 bệnh nhân lọc máu liên tục và 4 bệnh nhân chạy ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo – PV). Trong tuần này, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 sẽ đáp ứng được 700 giường theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế. Bệnh viện cần được bổ sung nhân lực để đáp ứng công tác điều trị ở quy mô này” – BS Thanh Việt nói.
Về vấn đề huy động các nguồn nhân lực, bên cạnh nhân lực hỗ trợ từ Bộ Y tế, Sở Y tế, TS.BSCKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19, cho biết, bệnh viện đã chủ động liên hệ với các trường có đào tạo khối ngành chăm sóc sức khỏe để huy động sự hỗ trợ từ đội ngũ sinh viên các năm cuối, bác sĩ nội trú để tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân.
Với 500 giường đang vận hành nhưng thực tế số bệnh nhân điều trị hiện gần 600 người. |
Theo đó, Đại học Y Dược TPHCM đã hỗ trợ 50 bác sĩ nội trú; Đại học Hồng Bàng, Đại học Nguyễn Tất Thành sẽ hỗ trợ khoảng 80 sinh viên điều dưỡng năm 3 và năm 4; đồng thời Sở Y tế cũng huy động các tình nguyện viên tôn giáo để tham gia công tác hỗ trợ tại bệnh viện.
Đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 luôn là đơn vị được quan tâm hàng đầu trong việc đảm bảo nguồn nhân lực với tổng số nhân sự hiện có 1.186 người (bao gồm nhân lực y tế, phụ trợ, hỗ trợ…). Trong đó, Bệnh viện Chợ Rẫy tham gia 161 người với 29 bác sĩ (14 bác sĩ hồi sức), các bệnh viện của thành phố cũng đã tập trung nguồn nhân lực rất cao tại đây với 92 bác sĩ, trong đó có 30 bác sĩ chuyên ngành hồi sức, cùng lực lượng bác sĩ đến từ nhiều đơn vị khác.
Bệnh viện Hồi sức COVID-19 vẫn đang là cơ sở chủ lực ở tầng cao nhất trong điều trị cho bệnh nhân nặng, nguy kịch tại TPHCM. |
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế, nhận định, thời gian tới gánh nặng cho hệ thống điều trị sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên khi các trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Trung ương Huế (tổng 1.500 giường) chính thức đi vào hoạt động sẽ góp phần giảm tải cho các bệnh viện.
Bên cạnh đó, các đơn vị như Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng như một số tỉnh thành khác sẽ tiếp tục tham gia hỗ trợ TPHCM trong thời gian sắp tới.
Đội ngũ nhân sự 1.186 người hiện đang làm việc tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TPHCM đến từ 30 đơn vị bao gồm Sở Y tế TPHCM, các bệnh viện tuyến trung ương, các bệnh viện tại TPHCM, nhân lực hỗ trợ từ các địa phương, các tổ chức tôn giáo, các tình nguyện viên của Thanh niên xung phong, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và lực lượng công an.