Chủ tịch nước: Hình thành các mô hình nông nghiệp công nghệ cao bằng cơ chế hấp dẫn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đến thăm và làm việc với Ban Quản lý khu Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) TPHCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thành phố huy động mọi nguồn lực để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, đặc biệt là nghiên cứu, hình thành các mô hình NNCNC bằng cơ chế hấp dẫn để thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia.

Sáng 12/4, Đoàn công tác do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã đến thăm và có buổi làm việc với Ban Quản lý khu NNCNC TPHCM.

Cùng dự buổi làm việc có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể; Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi…

Báo cáo với đoàn, Trưởng Ban Quản lý khu NNCNC TPHCM Phạm Đình Dũng cho biết, khu NNCNC là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiên phong của cả nước về lĩnh vực trồng trọt, thủy sản và hướng tới phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp bền vững.

Chủ tịch nước: Hình thành các mô hình nông nghiệp công nghệ cao bằng cơ chế hấp dẫn ảnh 1

Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho Ban Quản lý khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM

Theo ông Phạm Đình Dũng, khu NNCNC đã thành lập được ngân hàng nguồn gen bảo tồn và lưu trữ các giống cây, giống con quý hiếm phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học, lai tạo và sản xuất, tạo ra các nguồn giống mới có đặc tính vượt trội và giá trị kinh tế cao. Ông cho biết, hơn 100 quy trình kỹ thuật đã hoàn thiện, sẵn sàng để chuyển giao ứng dụng cho các đơn vị, tổ chức cá nhân có nhu cầu.

Đến cuối năm 2021, các doanh nghiệp hoạt động trong khu NNCNC và các đơn vị trực thuộc đã sản xuất và cung cấp hơn 369 tấn hạt giống F1 các loại; hơn 6 triệu hạt giống dưa lưới F1; từ 10-20 triệu cây lan giống/năm; từ 3-5 triệu con cá giống/năm…

Khu NNCNC TPHCM đã chuyển giao cho hơn 65 tổ chức, doanh nghiệp và hộ nông dân tại TPHCM và các tỉnh khu vực phía Nam, Tây Nguyên, khu vực duyên hải Trung bộ, các tỉnh phía Bắc nhiều mô hình và quy trình ứng dụng tự động hóa trên rau, hoa, cây kiểng như hệ thống tưới nhỏ giọt, nấm ăn và nấm dược liệu...

“Khu NNCNC TPHCM đã thu hút, kết nối với hơn 30 chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để tư vấn định hướng nghiên cứu khoa học, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện công nghệ, tư vấn nghiên cứu thị trường, xây dựng mô hình kinh doanh, kênh phân phối…” – ông Dũng cho hay.

Chủ tịch nước: Hình thành các mô hình nông nghiệp công nghệ cao bằng cơ chế hấp dẫn ảnh 2

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình sản xuất nấm bằng công nghệ cao

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước các thành quả khu NNCNC TPHCM đạt được trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc đưa nông nghiệp của TPHCM và miền Đông Nam bộ có bước phát triển cả về chất lượng và số lượng.

Chủ tịch nước đánh giá, khu NNCNC TPHCM bước đầu đã đi tiên phong trong lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, hướng đến phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, khắc phục tính mùa vụ, thích ứng với thời tiết, biến đổi khí hậu và đây cũng là con đường tất yếu của nông nghiệp Việt Nam.

Theo Chủ tịch nước, sứ mệnh của Khu NNCNC TPHCM không chỉ giới hạn trong việc thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao của TPHCM, mà còn đóng vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi nông nghiệp của miền Đông và miền Tây Nam bộ theo hướng chất lượng, giá trị, thân thiện môi trường.

“Sứ mệnh này rất lớn lao chứ không phải chỉ trong khu vực những nhà kính, trong phạm vi nhỏ hẹp. Nông nghiệp ở TPHCM dù chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp trong GRDP của thành phố nhưng ở một tầm xa hơn, khu NNCNC TPHCM là 1 trong 10 khu NNCNC của cả nước, mang tính dẫn đầu của cả nước” – Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý khu NNCNC TPHCM tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các viện, trường đại học trong và ngoài nước để nâng cao chuỗi giá trị; đào tạo các nhà khoa học giỏi trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, khu NNCNC TPHCM cần tham mưu chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhất là đối với các sản phẩm mới, giống mới có giá trị cao để áp dụng trong thực tiễn.

Chủ tịch nước đề nghị trong thời gian tới, TPHCM cần huy động mọi nguồn lực, trong đó chú trọng nguồn xã hội hóa để phát triển nông nghiệp thành phố theo hướng hiện đại. Đặc biệt, Thành phố cần nghiên cứu, hình thành các mô hình NNCNC bằng cơ chế hấp dẫn để thu hút mọi thành phần tham gia.

TPHCM cần hình thành khu NNCNC đa chức năng, phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao; nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Cần Giờ, Bình Chánh trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, TPHCM cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đối với khu NNCNC TPHCM, xử lý nghiêm các doanh nghiệp không thực hiện dự án đúng cam kết, đúng tiến độ đăng ký.

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hiện nay, 60% dân số nước ta là nông dân. Người dân rất mong chờ các cách làm, các ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Vì vậy, khu NNCNC TPHCM nói riêng cần nghiên cứu để phục vụ người dân.

"Khi hiệu quả được nhân lên thì giá trị nghiên cứu càng có ý nghĩa thực tiễn lớn lao" - Chủ tịch nước căn dặn.

MỚI - NÓNG