'Chủ quyền' đàn bầu

TP - Trong rất nhiều thứ chúng ta đang lo lắng mất chủ quyền thì vừa qua ở hội thảo khoa học “Đàn bầu và vai trò của nó trong nền văn hóa Việt Nam” do Viện Âm nhạc Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức tại Hà Nội, lại đặt ra: 

Lo lắng mất chủ quyền văn hóa với cây đàn bầu. Theo một số nghệ sỹ và nhà nghiên cứu văn hóa như NSND Thanh Tâm, Giáo sư - Tiến sỹ Tô Ngọc Thanh… thì việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận cây đàn bầu là di sản văn hóa của Việt Nam là việc cấp thiết, bởi nguy cơ đã treo lơ lửng “càng để lâu chúng ta càng mất chủ quyền với cây đàn bầu” (Giáo sư- Tiến sỹ Tô Ngọc Thanh). Theo lời NSND Thanh Tâm, gần đây ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã đưa đàn bầu vào dạy trong các trường phổ thông. Giáo sư Trần Quang Hải tiết lộ thêm, những năm trở lại đây tại Trung Quốc đã diễn ra những festival dân tộc có màn biểu diễn đàn bầu của hàng trăm người chơi v.v..

Khi câu chuyện chủ quyền đàn bầu được khơi ra, nhiều bạn đọc đã phẫn nộ chỉ trích kẻ nhận vơ đàn bầu: Sao cái gì cũng nhận vơ được, chán ngán luôn! Rất nhiều ý kiến đồng tình,  phải làm hồ sơ ngay và luôn để UNESCO khẳng định “độc quyền” đàn bầu của người Việt. Có người thở dài: Ước chi giáo sư Trần Văn Khê còn sống, có đủ tư liệu, đủ uy tín đề chứng minh đàn bầu là của Việt Nam. Nhưng không hẳn việc chứng minh đàn bầu là của Việt Nam sẽ giúp cho chúng ta khẳng định vững chắc chủ quyền văn hóa với đàn bầu. Ý kiến của một độc giả khác đáng suy nghĩ: “Vẫn là bệnh thành tích, suốt ngày lo đi chứng minh danh hiệu, sáng chế, phát minh mà không lo chơi cho giỏi. Hữu xạ tự nhiên hương. Lo chơi cho hay, sáng tạo nhiều chương trình đặc sắc. Đi biểu diễn khắp thế giới. Chơi hay tự khắc thế giới công nhận”. Độc giả này hỏi: Tại sao cần UNESCO cấp giấy công nhận trong khi chính chúng ta đang không thừa nhận bằng cách lãng quên?

Một thực tế đang diễn ra không chỉ ở nước ta mà ở cả các nước khác, âm nhạc truyền thống ngày càng mất dần đất sống trước sức tấn công mạnh mẽ của thị hiếu thời đại. Đàn bầu nói riêng và nhạc cụ dân tộc nói chung đã từ lâu không còn “hot” trong các trường đào tạo âm nhạc ở ta. Trước khi chờ đợi  UNESCO, chỉ còn cách tự cứu mình. Những người làm âm nhạc truyền thống đã nói đến việc đàn bầu được đưa vào giảng dạy ở nước bạn, tại sao ngay tại nơi sinh ra đàn bầu, chúng ta lại chưa làm điều này? Tiến sỹ So Inhwa, người Hàn Quốc, trong một hội thảo về âm nhạc cổ truyền dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa, cách đây nhiều năm đã công nhận: Đưa âm nhạc truyền thống vào nhà trường là sự lựa chọn hợp lí nhất. Tại Hàn Quốc, có thể thấy rõ nỗ lực gia tăng nội dung về âm nhạc truyền thống trong các sách giáo khoa phổ thông. Hay trên sóng truyền hình, phát thanh chúng ta đã có ưu tiên đặc biệt nào cho âm nhạc dân tộc? v.v..

Dân gian có câu: “Mất bò mới lo làm chuồng”. Biết đâu vì nguy cơ sắp “mất bò” mà tiếng đàn bầu tìm lại được vị thế của mình, trước khi UNESCO “dán nhãn” công nhận?

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.