Mới nhớ, có người từng so sánh: Khi nào bóng đá Việt Nam vô địch World Cup thì mới có người Việt Nam đoạt giải Nobel Văn học. Cũng có người châm chích: Nobel văn học giống như giấc mơ miên viễn ở Việt Nam, với tổng kết khá đen tối: “Không phải tác phẩm của nhà văn ta ít được quảng bá, giới thiệu ra nước ngoài, cũng không phải nhà văn ta có điều kiện vật chất kém hơn họ nên kém về sáng tạo tinh thần; không phải sáng tác của nhà văn ta xa rời những vấn đề chính trị, xã hội; nguyên nhân cơ bản chính là tài năng, tầm vóc, vị thế của nhà văn ta chưa như mong đợi”. Ấy vậy mà chỉ cần một “trái bom” Ý Nhi mọi sự thay đổi chóng mặt về niềm tin đoạt giải, khiến nhiều người ngỡ ngàng như câu thơ Xuân Diệu: “Ôi từ không đến có/ Xảy ra như thế nào?”.
Ý Nhi vốn là tên tuổi không xa lạ với những người yêu văn học. Năm 1985, bà đã nhận giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam với tác phẩm “Người đàn bà ngồi đan”. Đến nay bà xuất bản hơn mười tập thơ cùng một số truyện ngắn. Tuy nhiên, trước giải thưởng Cikada, Ý Nhi chưa bao giờ được công kênh đến thế. Lý giải về điều này, thi sĩ gốc Quảng lên tiếng: “Cũng dễ hiểu thôi vì thơ tôi khá kén độc giả, không nhiều người đọc. Thực ra mà nói đánh giá của mọi người rất quan trọng nhưng không phải quan trọng nhất”. Càng gần đến giờ G của giải Nobel Văn học người ta lại càng hi vọng nhiều ở thi sĩ, cựu nhà báo Ý Nhi khi bỗng thấy bà cũng có nét giống với nhà báo điều tra, nhà văn hiện thực giành giải Nobel Văn học 2015 Svetlana Alexievich. (Thế mà trước khi Ý Nhi nhận giải Cikeda chẳng ai nhận ra điểm tương đồng này. Tiếc thay!).
Dư luận ở ta đặt cược Ý Nhi, còn Ý Nhi nói gì? Trong cuộc trao đổi, Ý Nhi cười rất nhiều. Bà biết một bộ phận dư luận đặt niềm tin vào mình và bà cảm thấy “vui vui vậy thôi. Không hi vọng gì. Giải Nobel với tôi xa vời lắm. Bởi cái mình làm quá ít ỏi trong khi đó ngay tại Việt Nam có nhiều nhà văn giỏi lắm chứ, họ hoàn toàn có khả năng đoạt giải thưởng như thế”. Ý Nhi đánh giá cao hai nhà văn lớn ở ta. Cái tên đầu tiên chị nghĩ đến là Nguyễn Minh Châu, theo chị đây là nhà văn có đóng góp to lớn cho nền văn học nước nhà (đáng tiếc, kể từ năm 1974 giải Nobel không đưa những nhân vật đã khuất vào danh sách đề cử-PV). Cái tên thứ hai chính là Bảo Ninh bởi “Nỗi buồn chiến tranh đã đánh dấu một cách nhìn mới, một lối viết mới về chiến tranh ở Việt Nam”. Chẳng còn bao ngày nữa kết quả chính thức của Giải Nobel Văn học 2016 sẽ được công bố. Nếu không có tên nhà văn Việt Nam nào được nhắc đến liệu người ta có cảm giác “Vụt cái. Trăng mất đẹp” như trong truyện ngắn Nam Cao?