Bà nói đối tượng tìm kiếm của bà là lịch sử của những cảm xúc và không phải chiến tranh đơn thuần, nhưng chiến tranh hiện diện trong tác phẩm của bà?
Người ta chỉ nói chuyện đó trong gia đình. Ông ngoại tôi chết trong chiến trận, bà ngoại tôi bị lính Đức sát hại. Cứ bốn người Belarus thì một người chết trong cuộc xung đột và các phong trào kháng chiến diễn ra mạnh mẽ.
Sau chiến tranh, người ta sợ vào rừng vì đầy mìn. Khắp nơi đều thấy người thương tật đi ăn xin vì họ không có trợ cấp. Tình trạng này kéo dài cho tới thập niên 1960, rồi tất cả đều chết. Từ rất sớm tôi quan tâm tới những người không được lịch sử đếm xỉa. Những con người di chuyển trong bóng tối không để lại dấu vết và không ai hỏi tới họ. Cha tôi, bà tôi kể cho tôi nghe những câu chuyện còn gây sốc hơn những gì tôi viết trong sách. Đó là cú sốc thời thơ ấu và thế giới tưởng tượng của tôi bị ấn tượng mãi.
5 cuốn sách trong 30 năm, hàng nghìn nhân chứng tập hợp, những cuộc công kích, một vụ kiện, làm sao bà hoàn thành công trình độc đáo về thời kỳ Xô Viết này?
Tôi từng nghĩ không bao giờ đủ mạnh mẽ để đi đến cùng. Tôi nhớ cuộc phỏng vấn một phụ nữ trải qua 15 năm trong trại tị nạn dưới chế độ Stalin, dù thế vẫn tiếp tục tán dương tới mây xanh. Tôi tưởng mình có thể khóc. Tôi nhớ từng gặp những người trẻ làm việc trong nhà máy Chernobyl sau thảm họa mà không có đồ bảo hộ gì đặc biệt. Tôi nhớ những bệnh viện ở Afghanistan nơi tôi chứng kiến những gì do người lính của chúng tôi gây ra. Tôi bất tỉnh nhiều lần. Tôi không phải nữ anh hùng. Tất cả những giọng nói đó theo đuổi, ám ảnh tôi. Tôi cần nhiều năm để xây dựng công trình này. Có lẽ tôi đã sai khi dấn thân vào chuyến mạo hiểm này? Bây giờ, tôi cảm thấy được giải phóng.
Công việc của bà không liên quan lịch sử, cũng không phải báo chí. Bà định nghĩa nó ra sao?
Ở nước chúng tôi, người ta nói đến “tiểu thuyết của những tiếng nói”, một thể loại văn học tôi lấy cảm hứng từ Ales Adamovitch. Ông đã chỉ cho tôi con đường kết nối nội tâm và sự thật. Đó không phải là báo chí. Tôi thấy mình bị mắc kẹt trong nghề này. Những chủ đề mà tôi muốn viết như là bí ẩn của tâm hồn con người và cái ác lại không khiến các báo quan tâm, và tôi thì chán ngấy thông tin rồi.
Bà có thể tưởng tượng ngày sau sẽ viết một tác phẩm thuần hư cấu?
Chẳng ai hỏi một nhà văn xuôi có thể viết một tiểu thuyết bằng thơ không! “Tiểu thuyết của những tiếng nói” - đó là thể loại mà tôi lựa chọn và tiếp tục theo đuổi công việc. Chủ đề không thiếu, cái ác đội lốt bao nhiêu là hình thức! Kể từ Dostoievski, không ai nói hay hơn ông ấy về vấn đề này. Mọi cuộc chiến tranh sau sự sụp đổ của đế chế, không ai có khả năng lí giải sự cần thiết của chúng. Dostoievski nói cả cuộc đời ông tìm kiếm chất nhân văn trong con người. Chalamov trả lời ông rằng, chỉ cần vài ngày trong trại cải tạo, chất người biến mất.
Phát biểu sau khi được thông báo đoạt giải Nobel văn học 2015, nữ nhà văn Belarus nói thêm về quan điểm viết: “Lịch sử chỉ quan tâm tới sự thật, cảm xúc luôn nằm bên lề. Nhưng tôi thì ngược lại, tôi nhìn thế giới với con mắt của một nhà văn, không phải nhà sử học”.