Người ta bỗng dưng quên mất tên vở kịch bởi họ đã nghĩ cho vở kịch một cái tên thị hiếu hơn: Nhạc kịch tiền tỷ. Rồi từ đó biết bao nhiêu câu chuyện không liên quan đến chất lượng nghệ thuật của vở nhạc kịch đã được khoe ra, như chuyện đầu tư qui mô về trang phục, tốn gần tỷ đồng cho 120 bộ trang phục… Loại hình sân khấu còn lạ lẫm với người Việt nhờ vậy trở nên phổ thông, vì tiệm cận live show của những “ông hoàng”, “bà chúa” trong làng giải trí Việt (live show 9 tỷ đồng của Đàm Vĩnh Hưng mới đây “Diamond Show” cũng bị biên tập tên, thay vào đó là tên mới: “Live show tiền tỷ” cho dễ nhớ và dễ… sang).
Lâu nay dư luận liên tục “ném đá” trào lưu ganh đua kỷ lục Guinness từ cuốn sách nặng nhất, chiếc bánh to nhất, đến áo dài… dài nhất v.v.. Đáng ngại ở chỗ, trào lưu “to, nặng, đông …” bây giờ lại lan tràn sang nghệ thuật. Như triển lãm sắp đặt nhà mô hình của Bùi Công Khánh mới đây, chưa bàn về mặt nghệ thuật, đã được báo chí tung hô vì sức nặng của nó: Nhà mô hình làm từ 1,5 tấn gỗ mít. Không khó gì để tìm ra những tác phẩm nặng kí theo nghĩa đen trong nghệ thuật Việt.
Đầu năm 2010, có triển lãm của một họa sỹ trẻ ở TP Hồ Chí Minh đã gây choáng cho người thưởng thức với những bức tranh được xếp hạng dài… kỷ lục, có bức tranh giấy được mô tả dài tới tận 9 mét, hết cả một cuốn giấy. Trong khi đó, 120 năm sau khi danh họa Vincent van Gogh (1853-1890) qua đời, bằng tiến hành thẩm định người ta đã khẳng định một tác phẩm của Van Gogh có tên “Sunset at Montmajour” (Hoàng hôn ở Montmajour) chính là tác phẩm có kích cỡ lớn nhất của danh họa nhưng cũng chỉ đạt chỉ số khá khiêm tốn 93,3 cm x 73,3 cm. Nói đến những bức họa được đấu giá kỷ lục thì không thể không nhắc đến đại diện tiêu biểu của trường phái lập thể, danh họa Pablo Picasso. Tác phẩm “Femme Assise”, một trong những bức vẽ lập thể đầu tiên của ông đang được mong đợi bán với giá 45 triệu USD, không phải vì đây là bức tranh to hay nặng mà vì nó được đánh giá là “bức vẽ cực kỳ hiếm”.
Trước đây, khi lí giải nguyên nhân không chịu tiến của điện ảnh Việt, những người có trách nhiệm thường đẩy “tội” sang kinh phí. Nhưng rồi, có những bộ phim được đầu tư đích đáng cũng chẳng giúp diện mạo điện ảnh Việt tươi tắn hơn. Người ta có thể gọi tên những tác phẩm đầu tư khủng, lỗ cũng khủng. Đến lúc này, dư luận lại đi tìm câu trả lời: Vì sao phim đầu tư lớn vẫn “ế” khách? Cũng như lúc này dư luận lại “đập” vở nhạc kịch “Chuyện tình nàng Giáng Hương”: Rót đông tiền vẫn chưa hiệu quả. Đôi lúc cũng thấy oan cho tiền!