Chợ & nhà văn hóa

Chợ & nhà văn hóa
TP - Về lý thuyết, đó là hai nơi tối cần thiết cho sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Một phục vụ cho nhu cầu vật chất mua bán trao đổi hàng hóa, một phục vụ cho nhu cầu tinh thần giao lưu văn hóa của người dân. 

Ấy vậy mà hai nơi này hiện đang là địa chỉ của sự lãng phí tại nhiều vùng quê trên cả nước. Nhiều nơi dùng tiền ngân sách xây chợ theo tiêu chí nông thôn mới, xây nhà văn hóa tiền tỷ hoành tráng nhưng rồi bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng.

  

Phóng viên báo Tiền Phong vừa phản ánh thực trạng những ngôi chợ xây theo chương trình nông thôn mới tại xã Phú Mỹ (huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế) đang xuống cấp với tốc độ chóng mặt, không che nổi nắng mưa bình thường. Chợ Dưỡng Mong và chợ An Lưu ở xã Phú Mỹ mới được xây với tổng mức đầu tư trên 600 triệu đồng từ chương trình nông thôn mới, thế nhưng người dân phải “vá chằng vá đụp” thêm tấm lợp mới có thể tạm ngồi buôn bán trong chợ. Nhiều chợ trong huyện được đầu tư xây mới cả tỷ đồng nhưng đìu hiu hoặc bỏ hoang.

Cả huyện có 13 xã được đầu tư xây mới hàng chục ngôi chợ trong những năm gần đây, song phần lớn không phát huy hiệu quả. Chợ mới Vinh Phú (xã Vinh Phú) được đầu tư 1,4 tỷ đồng, hiện luôn trong tình trạng vắng khách. Chợ mới Phú Diên 1 (xã Phú Diên), sau thời gian hoạt động cầm chừng, nay phải đóng cửa. UBND xã Phú Diên đầu tư 580 triệu đồng xây thêm hai chợ mới Phú Diên 2 và Phú Diên 3, song hiệu quả khai thác không cao.

Tại cuộc họp của Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới ngày 14/10 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đã yêu cầu sớm có thể xây dựng hay cải tạo một chợ dành nhiều xã dùng chung, thay vì xã nào cũng tự làm 1 chợ sẽ gây tốn kém. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, một số địa phương đề nghị xem xét hạ thấp tiêu chuẩn chợ theo thiết kế của Bộ Xây dựng.

Tình trạng lãng phí tương tự cũng diễn ra với các nhà văn hóa xã tại nhiều địa phương trên cả nước. Một phóng sự mới đây trên VTV đã cận cảnh nhiều nhà văn hóa xã lâu ngày không sử dụng, bàn ghế xếp xó mốc meo.

Như vậy những cái chợ và nhà văn hóa được dựng lên một cách duy ý chí nói trên đã không đáp ứng được nhu cầu của dân chúng với nhiều lý do khác nhau. Chợ bỏ hoang đa phần vì xây ở những nơi không thuận tiện cho việc mua bán hoặc dư thừa so với nhu cầu của người dân. Nhà văn hóa xã là mô hình đã lạc hậu do với nhu cầu sinh hoạt tinh thần, thưởng thức văn hóa hiện nay.

Từ ngàn đời nay, bất cứ một làng quê truyền thống Việt Nam nào chả có một mái đình cong vút, một bãi chợ ven sông, nơi gắn bó một cách mật thiết với nhu cầu tự thân về vật chất lẫn tinh thần của mỗi người nông dân. Chợ và nhà văn hóa theo nghĩa này lúc nào cũng trường tồn, cũng thân thiết gắn bó với người dân. Thực trạng hàng loạt chợ nông thôn mới hay nhà văn hóa đã lỗi thời không có người sử dụng hiện nay rất đáng phải suy ngẫm, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để rà soát và tìm ra giải pháp khắc phục sự lãng phí này.

MỚI - NÓNG