Chiếc quần đùi và sự tinh tế của giảng viên

Hình ảnh thầy Thành trong buổi học gây nhiều tranh cãi
Hình ảnh thầy Thành trong buổi học gây nhiều tranh cãi
Giảng viên vẫn có thể thoả sức sáng tạo mà không cần mặc quần đùi! Bởi vì dù phá cách hay sáng tạo như thế nào, bản thân mỗi người vẫn nên có những giới hạn và chuẩn mực cho riêng mình.

Những ngày gần đây, bộ trang phục chỉ độc quần sooc, áo thun của thầy Trương Nguyện Thành trong một buổi học về lập tức trở thành đề tài bàn luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn.

Khi được hỏi về bộ trang phục này, thầy Trương Nguyên Thành giải thích: 'Muốn phát huy khả năng sáng tạo thì phải đánh vào điểm nhấn là gỡ bỏ hết định kiến và giới hạn tư tưởng mà trước đó mọi người nghĩ phải đi một con đường nào đó'. Do vậy, trong buổi học ông đã sử dụng trang phục này.

Trong môi trường sư phạm, giảng viên luôn có thể làm sinh động hơn bài giảng của mình bằng những sáng tạo thú vị. Tuy nhiên, không phải sự sáng tạo nào cũng được hoan nghênh. Bởi vì bất cứ những sáng tạo kém tinh tế nào cũng dễ dàng gây ra hiệu quả ngược.

Sáng tạo nên phù hợp bối cảnh

Theo số đông ý kiến phản đối về trang phục của thầy Thành cho thấy, họ không hề yêu cầu người thầy lúc nào cũng phải đạo mạo, chỉnh tề nhưng khi đã đặt mình trong bối cảnh sư phạm, phá cách như vậy sẽ khiến cái uy của người dạy học bị giảm sút.

Một phát hiện khá nhạy cảm khác là chiếc quần sooc mà thầy Thành sử dụng trong buổi học, có phần giống… 'loại quần mùa hè thần thánh' mà đàn ông thường mặc ở phòng ngủ. 'Dù không phải quần xà lỏn, và thầy chỉ lấy ví dụ minh hoạ, nhưng vào lớp dạy học mà ăn vận như vậy là không lịch sự, thiếu tôn trọng mọi người, bản thân thầy cũng thiếu trang nghiêm trước đông đảo sinh viên'.

Tôi được biết một câu chuyện về thầy Đinh Xuân Hiền của trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Thầy giáo này nổi tiếng với những chuyến 'viếng thăm đường đột' ký túc xá 222 Lê Văn Sỹ. Trong kí ức của sinh viên, thầy Hiền tự xưng mình là 'giáo sư Trình Văn Độ', vào ký túc xá ăn cơm chung sinh viên và cởi trần đọc thơ bằng ba thứ tiếng. Thậm chí thầy còn giảng Shakespeare bằng tiếng Anh và không hề cần tới bất cứ giáo trình nào.

Nhưng đó là cuộc sống phía sau giảng đường, khi thầy Hiền đã trút bỏ bộ trang phục ở trường, chân phương hòa với sinh viên. Trên bục giảng, thầy thật chỉn chu, sau bục giảng lại trở thành một người bạn giản dị và vui tính. Đó là 'cách sáng tạo đầy đáng yêu' để cải thiện mối quan hệ thầy trò.

Có lẽ ít ai biết, Einstein cũng thường khỏa thân đi dạo quanh khuôn viên nhà, để những ý tưởng mặc sức đâm chồi nảy nở. Nhưng đó là 'Khuôn viên nhà' và chẳng ai có quyền bắt lỗi.

Sáng tạo khác hoàn toàn với dị biệt Vẫn biết 'bộ trang phục' mà thầy Thành sử dụng chỉ là một minh hoạ cho một nội dung trong bài giảng của mình. Nhưng để truyền đi thông điệp về sự sáng tạo thì hình ảnh phá cách về một bộ trang phục được kết hợp 'không giống ai' và 'gây nhiều tranh cãi' này liệu có phải là một minh hoạ đúng đắn và hữu ích? Có người đã đặt ra câu hỏi: 'Nếu ai cũng đi theo trào lưu sáng tạo mà thầy đang kết hợp, nam sinh ở bên dưới giảng đường diện quần đùi, nữ sinh thì mặc áo trễ vai, hở ngực khi nghe bài giảng của thầy thì có còn là môi trường học đường không?'
Chiếc quần đùi và sự tinh tế của giảng viên ảnh 1 Sáng tạo đích thực không hẳn là tạo ra cái mới, mà là làm mới cái cũ theo cách của mình. Nhưng phải làm nó một cách tinh tế!
Sáng tạo không có nghĩa là tạo ra những thứ dị biệt và khác thường. Một bộ trang phục 'không chê vào đâu', 'cực ngầu nhưng vẫn chuẩn form ngành sư phạm có lẽ sẽ đem lại hiệu quả cao hơn cho sinh viên về 'Bản chất của sáng tạo' và đem lại đón nhận nhiệt tình hơn cho bài giảng. Bởi vì, sáng tạo không hẳn là tạo ra cái mới, mà là làm mới cái cũ theo cách của mình. Nhưng phải làm nó một cách tinh tế! Hãy nhớ, 'sự tinh tế' luôn là yếu tố quan trọng nhất. Sự thật là giảng viên vẫn có thể thoả sức sáng tạo mà không cần mặc quần đùi đến lớp! Một người bạn của tôi làm giảng viên kinh tế của trường Đại học Thuỷ Lợi đã bắt đầu bài giảng về Sức mạnh của chính sách ưu đãi đến doanh thu và lợi nhuận chỉ bằng câu hỏi: 'Lớp mình, có những ai đã từng đi Grab'? Một anh bạn làm bí thư đoàn trường trong một buổi hội thảo cũng trình bày về Sức mạnh của sự đoàn kết bằng cách đem đến hội trường một chiếc bánh ngọt và minh hoạ nó cho việc các đế quốc trước đây từng xâu xé một quốc gia như một chiếc bánh ngọt thế nào.
Chiếc quần đùi và sự tinh tế của giảng viên ảnh 2 Sáng tạo đích thực có thể phát huy hiệu quả nhờ vào sự tinh tế của giảng viên
Rõ ràng, chẳng có một bộ trang phục nào cần phải trút bỏ. Và trong bối cảnh của một không gian đậm tính sư phạm thì người giảng viên vẫn xuất sắc mang đến cho bài giảng của mình sự hấp dẫn, nhưng vẫn đảm bảo tính chuẩn mực vốn có. Bởi giá trị của một bài giảng được quyết định bởi nội dung truyền tải, cách diễn đạt dễ hiểu mới mẻ và sự khéo léo trong những hình ảnh dẫn dụ. Quan trọng là huy động các trường kiến thức một cách thú vị thay vì 'những hành động cộp mác sáng tạo' nhưng nhạy cảm và gây tranh cãi. Chẳng hề có quy định nào về 'thời trang giảng đường' hay 'sự phá cách mang tên sáng tạo', nhưng thiết nghĩ mỗi người đều nên có những chuẩn mực lịch sự cho riêng mình, để kết hợp hài hoà với số đông xung quanh. Và lúc đó, 'sáng tạo đích thực' mới phát huy giá trị hiệu quả nhất!
Theo Theo Báo Đất Việt
MỚI - NÓNG