Báo chí thắc mắc, ông lý giải: “Đó là trong buổi học nói về việc làm sao phát triển tư duy sáng tạo. Qua đó, tôi nói rằng muốn phát triển tư duy sáng tạo thì cần phải bỏ những rào cản về tư tưởng, không có gì giới hạn suy nghĩ của mình.
Cần phải nghĩ vượt qua tầm giới hạn trong định kiến xã hội, gò bó trong ý tưởng, trong những gì chúng ta cho là được và không được… thì mới có khả năng sáng tạo”.
Thật tốt khi thầy đứng ra làm ví dụ sống. Nhưng trong thời trang, việc kết hợp quần sooc với vest và xỏ xăng-đan chẳng có gì lạ. Vấn đề là hiệu quả nó mang lại. Đây quần ca-rô, chấm bi của GS trông chả khác gì quần đùi, quần ngủ.
Có vẻ như ông kết hợp ngẫu hứng một số thứ có sẵn trong tủ quần áo chứ cũng chả dày công sáng tạo gì. Nhưng tất nhiên GS không phải nhà thiết kế, việc của ông là gợi vấn đề cho mọi người tư duy nên thiết nghĩ cũng không cần mổ xẻ chi tiết quá nhiều.
Gây sốc đúng chuyên môn là kiểu của PGS.TS Phạm Xuân Mai: “Phải đánh vào kinh tế của người dân. Khi dân không chịu được thì sẽ từ bỏ sử dụng xe máy!”
Không hiểu ngành nghiên cứu nào đã đưa ông tới kết luận đó. Theo ông, khi xe vào thành phố cần thu phí cao, không quy hoạch bãi gửi xe cũng không cho dân đậu xe máy trên vỉa hè, thế là cấm được xe máy(!)
Ông lập luận: “Có người sẽ bảo làm thế thì người nghèo sống bằng gì? Cứ kêu như thế thì không thể phát triển đất nước. Việt Nam bây giờ không còn là một nước nghèo nữa. Phải từ bỏ tư duy đem cái nghèo ra dọa nhau mãi”.
Đúng là phải nhờ lối tư duy đột phá của PGS Mai mà người ta mới vỡ ra: Không phải dân có giàu thì nước mới mạnh mà nước đã giàu thì tất dân không thể nghèo!?