Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2014: Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu

Toàn cảnh thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Nam Cường-Ngọc Châu.
Toàn cảnh thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Nam Cường-Ngọc Châu.
TP - Đà Nẵng giữ vững ngôi đầu, TPHCM lần đầu tiên lọt vào top 5 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất. Doanh nghiệp (DN) lo ngại, bi quan về các khoản chi phí không chính thức, tiếp cận đất đai… là những vấn đề nổi bật trong báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2014, công bố ngày 16/4.

TPHCM lọt top 5, Hà Nội đứng thứ 26

CPI năm 2014 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố, sau khi khảo sát gần 10.000 DN dân doanh ở 63 tỉnh thành trong cả nước.

Theo đó, Đà Nẵng tiếp tục bảo vệ thành công vị trí quán quân với số điểm 66,87 (trên thang điểm 100). Tiếp đó, hai “gương mặt” quen thuộc trong nhóm dẫn đầu những năm qua là Đồng Tháp (65,28 điểm) với phương châm “tiềm năng của chúng tôi-cơ hội của bạn” và Lào Cai (64,67) tạo “hứng thú” cho DN với “DN phát tài, Lào Cai phát triển”.

Lần đầu tiên trong 10 năm công bố PCI, TPHCM - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước (62,73 điểm) lọt vào nhóm 5 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Vị trí thứ 5 của bảng xếp hạng, thuộc về Quảng Ninh. Top 10 PCI năm 2014 còn có Vĩnh Phúc, Long An, Thái Nguyên, Kiên Giang và Bắc Ninh. Thủ đô Hà Nội dù có nhiều cải thiện, nhưng vẫn xếp hạng 26, trong đó, chỉ tiêu về tính năng động của chính quyền rất thấp.

Trong khi đó, không có nhiều bất ngờ khi nhóm “đội sổ” và “có nguy cơ tụt hậu” là các tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang và Bắc Kạn. Tuy nhiên, PCI năm nay ghi nhận “hiện tượng” Tuyên Quang - tỉnh “đội sổ” nhiều năm nay đã vươn lên (đứng thứ 50) nhờ nỗ lực tăng cường đối thoại giữa DN và chính quyền, qua chương trình “Cà phê doanh nhân”.

Nói về vị trí dẫn đầu, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch thành phố Đà Nẵng cho biết: 10 năm qua, thành phố đã bám sát bộ chỉ số PCI qua các thời kỳ, luôn cải cách để có vị trí tốt. Năm ngoái, thành phố triển khai “Năm DN 2014”, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch thông tin, tăng kỷ luật, kỷ cương; nâng cao tinh thần thái độ của cán bộ công chức với người dân, DN. “Thông qua trung tâm dịch vụ công của thành phố, các cuộc phỏng vấn qua điện thoại sẽ được ghi âm, làm cơ sở để các cơ quan môn rút kinh nghiệm, cải thiện quy trình, thái độ phục vụ, đồng thời để điều chỉnh công tác nhân sự”, ông Thơ nói.

Ông Doãn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nói: “Chúng tôi rất cầu thị khi năm 2013, Lào Cai tụt tới 14 bậc, nhưng năm 2014 đã lấy lại thứ hạng của mình. Lào Cai xem công việc của DN là công việc của chính quyền hàng ngày”. Đặc biệt, Lào Cai đã xây dựng riêng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố, giúp “lãnh đạo các huyện, thành phố tự soi mình vào đó, có hành động thiết thực”.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2014: Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu ảnh 1

Chủ tịch thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ (đứng giữa) nhận giải thưởng địa phương có PCI xuất sắc năm 2014.

Vẫn còn nhiều lo ngại

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, qua điều tra của PCI 2014 cũng cho thấy, những sụt giảm đáng lo ngại ở chỉ số chi phí không chính thức, tính năng động và tiếp cận đất đai. “Cả ba lĩnh vực này, DN tại các tỉnh thể hiện tâm lý bi quan nhất kể từ khi tiến hành điều tra PCI đến nay”- ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, năm 2008, có 66% DN tham gia điều tra PCI cho hay, thường phải trả thêm chi phí không chính thức để được tạo thuận lợi hơn trong sản xuất, kinh doanh. Sau đó, xu hướng trên giảm, nhưng năm 2014 đã trở lại con số trên.

Trong khi đó, dù chi phí “hoa hồng” trong hoạt động đấu thầu khi tham gia các hợp đồng với cơ quan nhà nước của DN  đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại, nhưng vẫn cao, tới 55%.

Theo nhóm nghiên cứu, DN dân doanh cũng lo ngại về hiệu quả làm việc và điều hành của chính quyền các tỉnh, khi mức độ chỉ tương đương năm 2013. “Rõ ràng, có nhiều sáng kiến cải cách được đưa ra, song hiệu quả thực thi ở các cấp dưới, cụ thể là các sở ngành lại không thể hiện được tinh thần của các sáng kiến đó. Năm nay, tỷ lệ đồng thuận với nhận định trên đã tăng lên 77%, cao nhất và cũng gấp đôi năm 2006” - ông Tuấn cho biết thêm.

Ngoài ra, theo phản ánh của DN, năm 2014, DN chưa gặp nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật (luật, nghị định, văn bản hướng dẫn…). Thậm chí, DN còn gặp khó khăn hơn khi tiếp cận thông tin, tài liệu quan trọng có liên quan đến kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Lo ngại hơn, cứ 10 DN thì có đến 7 DN phải cần tới mối quan hệ với cơ quan nhà nước để tiếp cận thông tin, điều này trái ngược xu thế cải thiện liên tục trong 4 năm 2010-2013.

Theo nhóm nghiên cứu, DN cũng tỏ ra nhiều lo ngại hơn với khả năng tiếp cận đất đai. Chỉ 55% số DN tham gia điều tra có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc thiếu giấy chứng nhận, quyền sử dụng đất của DN trở nên bếp bênh hơn. Các DN tỏ rõ sự e ngại về rủi ro bị thu hồi đất. Tỷ lệ DN cho biết không gặp trở ngại gì trong tiếp cận đất đai năm nay ở mức thấp kỷ lục, chưa đầy 22%.

Theo báo cáo PCI năm 2014, từ cảm nhận của gần 1.500 doanh nghiệp FDI cũng “phàn nàn” về phí không chính thức, gánh nặng về các quy định, chất lượng cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ hành chính công (như giáo dục, y tế…).

Có 10% số DN phải dành 10% doanh thu cho các chi phí không chính thức. Ngoài ra, ngày càng nhiều DN cho rằng, tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến (từ 41% năm 2013 lên 66% năm 2014).

MỚI - NÓNG