Đà Nẵng giành 'quán quân' chỉ số năng lực cạnh tranh

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch TP Đà Nẵng (ở giữa) nhận kỷ niệm chương cho giải thưởng địa phương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc năm 2014. Ảnh: Phạm Anh.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch TP Đà Nẵng (ở giữa) nhận kỷ niệm chương cho giải thưởng địa phương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc năm 2014. Ảnh: Phạm Anh.
TPO - Đà Nẵng tiếp tục giữ ngôi đầu, lần đầu tiên trong 10 năm qua, TPHCM lọt vào top 5 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2014.

Sáng 16/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2014.

PCI  năm 2014 được thực hiện qua khảo sát gần 10.000 doanh nghiệp dân doanh trên 63 tỉnh thành trong cả nước.

Theo đó, Đà Nẵng tiếp tục bảo vệ thành công vị trí quán quân trong bảng xếp hạng, với số điểm 66,87 trên thang điểm 100. Tiếp đó là hai gương mặt quen thuộc trong nhóm đầu bảng những năm trước là Đồng Tháp (65,28 điểm) và Lào Cai (64,67 điểm).

Lần đầu tiên trong 10 năm công bố PCI, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước-TPHCM (xếp thứ 4), nằm trong nhóm 5 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Vị trí thứ 5 của bảng xếp hạng thuộc về Quảng Ninh.

Đợt công bố lần này, nhóm 10 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2014 còn có Vĩnh Phúc, Long An, Thái Nguyên, Kiên Giang và Bắc Ninh.  Đáng chú ý, trường hợp của Tuyên Quang- địa phương “đội sổ” ở cuối bảng xếp hạng nhiều năm nay, được cải thiện hơn nhờ nỗ lực tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương.

Trong khi đó, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang và Bắc Kạn là những địa phương nằm cuối bảng.

Theo nhóm nghiên cứu, nhìn chung chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương năm nay có sự chuyển biến tích cực. Chủ tịch VCCI - ông Vũ Tiến Lộc cho biết: “Năng động hơn, sáng tạo hơn, tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch và thông thoáng cho mọi thành phần doanh nghiệp phát triển là kỳ vọng và mong mỏi của mọi doanh nghiệp và nhà đầu tư đối với chính quyền các địa phương ở Việt Nam”.

Theo ông Lộc, điểm sáng của PCI năm 2014 cho thấy có dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh, khi tới 46,1% doanh nghiệp dân doanh sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới, tăng mạnh so với mức 32,5% của năm trước. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài –FDI là 50%.

Ông Lộc cho hay, lần đầu tiên trong 5 năm công bố PCI gần đây, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.

Cũng theo báo cáo PCI năm 2014, từ cảm nhận của gần 1.5000 doanh nghiệp FDI cho thấy, Việt Nam tiếp tục được đánh giá tích cực so với các quốc gia cạnh tranh về sự ổn định chính sách, mức độ rủi ro bị hồi tài sản thấp, khả năng tham gia của doanh nghiệp vào hoạch định chính sách, các mức thuế hợp lý.

Tuy nhiên, doanh nghiệp FDI cũng cho rằng, môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn còn kém hấp dẫn về chi phí không chính thức, gánh nặng về các quy định, chất lượng cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ hành chính công (như giáo dục, y tế…).

Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI cho rằng, Việt Nam cần tăng cường nguồn lao động có tay nghề cao, cũng như đơn giản hóa việc cấp giấy phép làm việc cho người lao động nước ngoài sẽ giúp Việt Nam cạnh tranh hơn trong thu hút đầu tư.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, chỉ khoảng 70% doanh nghiệp trong nước và FDI biết tới Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng mức độ còn hạn chế. Nhìn chung, doanh nghiệp trong nước ủng hộ mạnh mẽ việc Việt Nam gia nhập TPP (66%), trong khi các doanh nghiệp FDI thận trọng hơn, khi chỉ 25% ủng hộ.

PCI bao gồm nhiều chỉ số thành phần: Chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền địa phương; môi trường cạnh tranh bình đẳng; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động và thiết chế pháp lý.

MỚI - NÓNG