Nhìn lại những vụ án tiêu cực, tham nhũng, người ta thấy lời ông Chung thật đúng. Lời bào chữa ấy còn hé lộ ra cách làm tiền quá dễ của một số quan chức biến chất, nhưng nắm giữ vị trí quan trọng.
Tiêu biểu là vụ loạt quan chức cấu kết tiêu cực trong đấu thầu, nâng khống giá thiết bị y tế liên quan lãnh đạo một số bệnh viện lớn thời gian vừa qua; hay những lùm xùm tiêu cực, làm trái quy định trong ngành y khiến cựu bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bị kỷ luật, miễn nhiệm; thứ trưởng Trương Quốc Cường và bộ sậu bị bắt giam.
Vụ việc còn chưa lắng xuống thì Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục khởi tố ông Phan Quốc Việt, sáng lập đồng thời là tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á – người được đồn đại như “ông lớn” trong lĩnh vực cung ứng thiết bị, vật tư dược. Cùng bị khởi tố còn có Vũ Đình Hiệp, phó tổng giám đốc; Hồ Thị Thanh Thảo, thủ quỹ Công ty Việt Á; Phạm Duy Tuyến - giám đốc, Nguyễn Mạnh Cường - nguyên kế toán trưởng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương.
Đáng nói, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu lan nhanh tại Việt Nam (tháng 4/2020), Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19. Từ đó, Công ty này đã cung ứng kit cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật, cơ sở y tế 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng. Phan Quốc Việt cho nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào để nâng giá bán bộ kit lên 470.000 đồng; đồng thời chi phần trăm “khủng” cho lãnh đạo bệnh viện, CDC địa phương. Chỉ riêng tại Hải Dương, Phan Quốc Việt đã chi gần 30 tỷ đồng cho Phạm Duy Tuyến trong gói hợp đồng 151 tỷ hợp đồng bán kít xét nghiệm.
Nhìn vào bảng giá 16 loại kit test kháng nguyên SARS-CoV-2 (nhập Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ...) mà Bộ Y tế chỉ mới công bố vào tháng 7/2021, có giá từ 109.000 đồng đến 185.000 đồng/ bộ; giá kit doanh nghiệp tại Việt Nam sản xuất còn thấp hơn (chỉ gần 100.000 đồng/bộ), mới thấy Công ty Việt Á thu lợi khủng thế nào trong suốt thời gian qua.
Theo kết quả điều tra bước đầu, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu kit test COVID-19, Phan Quốc Việt chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các địa phương sử dụng. Sau đó, Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân trong hệ thống, lập hồ sơ chào hàng, xác nhận khống báo giá cao hơn nhiều so với giá thành sản phẩm.
Mở rộng vụ án, cơ quan điều tra đã khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại 8 địa phương (Hà Nội, TPHCM, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An) và triệu tập ghi lời khai trên 30 người có liên quan.
Tới đây, vi phạm của Việt, Tuyến và các bị can sẽ được lôi ra ánh sáng. Điều quan trọng không phải các bị can đã vi phạm nguyên tắc công bằng, minh bạch trong đấu thầu bộ kit xét nghiệm hay họ đã đưa và nhận tiền lại quả như thế nào. Quan trọng là, còn những người nào đã tiếp tay, đồng lõa cho sai phạm để chia chác lợi nhuận trên nỗi đau người bệnh nghèo, trên sự lo lắng, sợ hãi của toàn xã hội trong đại dịch vừa qua phải được nghiêm trị.