Bởi xuất hiện một nhóm khoảng chục người làm nghề nghiên cứu rủ nhau ký đơn kiến nghị phản đối, chủ yếu cho rằng hai ông tạo ra chữ Quốc ngữ “không nhằm phát triển dân tộc ta, mà là công cụ xâm lăng”. Và bởi sự “phỉ báng nặng nề” của các vị giáo sĩ này đối với các tôn giáo khác tại Việt Nam!
Chuyện từ hơn 400 năm về trước, giờ lại trở thành đề tài tranh cãi gay gắt của người hiện thời. Và tranh cãi ngay bằng thứ chữ viết mà những người trên đang quyết liệt phủ nhận.
Chữ viết, với tư cách là một biểu tượng văn hóa từ xa xưa đã luôn gắn với hình ảnh Thượng đế, với đức Chúa trời. Nên việc các cha đạo gắn công cuộc truyền giáo với việc nghiên cứu, sáng tạo ra thứ chữ viết, ngôn ngữ thuận tiện sử dụng tại những mảnh đất xa lạ nơi họ đến không phải là điều gì quá đặc biệt. Ngay như kinh Coran của đạo Hồi cũng khẳng định: “Chúng ta không phái đi một nhà tiên tri nào mà không biết tiếng nói của giáo dân của mình”.
Tất nhiên nói chỉ một hai người (như hai vị giáo sĩ trên) sinh ra chữ Việt như ngày nay là điều không tưởng, là không hiểu gì về ngôn ngữ. Và ngôn ngữ sẽ chết nếu không được cộng đồng rộng lớn tiếp nhận, gìn giữ và phát triển.
Chữ viết nói riêng và ngôn ngữ nói chung tồn tại không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của một vài nhóm người, hay vào một thể chế chính trị nào. Ngôn ngữ có sinh mệnh của riêng nó. Hàng ngàn ngôn ngữ đã chết dù không ít người muốn hằng giữ. Chỉ còn rất ít ngôn ngữ sinh tồn mạnh mẽ.
Đặc biệt, sự cân đong công và “tội” của các vị giáo sĩ, thiết nghĩ cần xét trên cái nhìn biện chứng - lịch sử cụ thể. Khi thời gian đã cách xa hơn 400 năm, mọi sai lầm, hạn chế đáng để xếp lại vào lịch sử. Nhất là khi chữ viết hiện đại, tiện lợi mà chúng ta đón nhận từ họ vẫn đang được sử dụng hàng ngày.
Tinh thần khoa học chân chính không chấp nhận và dung dưỡng sự hận thù. Chưa kể việc trích sai lời, dịch sai ý là đã thiếu công tâm cũng như thiếu tính cẩn trọng của nghiên cứu. Nếu ai cũng dựng “bia căm thù” và sự cố chấp trong lòng, thì lịch sử ngàn vạn năm qua của dân tộc ta cũng như trên thế giới này lấy gì chất chứa hết? Nền văn hóa, văn minh làm gì còn tồn tại và phát triển đến ngày nay. Sẽ nhìn nhận thế nào với Nobel - cha đẻ của thuốc nổ, hay Enstein góp phần sinh ra bom nguyên tử?
Từng chật vật với việc đặt tên đường Bích Khê ở Quảng Ngãi, đường Phan Khôi ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Danh nhân nghệ thuật tuồng (hát bội) người Quảng Nam Nguyễn Hiển Dĩnh một thời cũng vì lý do trên mà phải dừng đặt tên đường, cho dù Đà Nẵng có một nhà hát tuồng khang trang mang tên ông. Di sản nghệ thuật tuồng của dân tộc biết ơn ông.
Việc đặt tên đường những người có công đầu sáng tạo chữ Quốc ngữ là biểu hiện của sự biết ơn, nhưng thiết nghĩ cũng không quá quan trọng. Một khi cả trăm triệu người dân Việt Nam hàng ngày vẫn sử dụng chữ viết ấy, mỗi giây mỗi phút, thân thuộc như không khí để thở.
“Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh/Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy” (Lưu Quang Vũ). Tiếng Việt, chữ Việt gian nan, trầm luân vậy đấy, khiến chúng ta “suốt đời mắc nợ”.