Sang kỳ họp 11, Quốc hội sẽ không chất vấn mà chỉ tổng kết, các công việc liên quan đến công tác bầu cử, báo cáo liên quan đến các nghị quyết 5 năm về kinh tế - xã hội... Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10 này khác với các kỳ họp trước, nghĩa là Quốc hội sẽ chất vấn lại những nội dung, công việc thực hiện các nghị quyết chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến giờ cũng như một số nghị quyết về giám sát chuyên đề.
Trước khi chất vấn, đại biểu Quốc hội sẽ tiếp cận báo cáo của Chính phủ, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao và báo cáo tổng hợp thẩm tra của các ủy ban. Trên cơ sở đánh giá việc thực hiện của các thành viên Chính phủ từng lĩnh vực, thực hiện đến đâu, còn tồn tại như thế nào và nguyên nhân dẫn đến tồn tại đó, các đại biểu Quốc hội sẽ đưa ra câu hỏi chất vấn. Cho đến thời điểm này vẫn chưa có câu hỏi, hoặc danh sách các thành viên Chính phủ được chất vấn. Sau phiên chất vấn, như thường lệ, Quốc hội sẽ có nghị quyết về chất vấn để khóa sau tiếp tục theo dõi và tiếp tục giám sát.
Về phương thức lần này, khi đại biểu nêu câu hỏi chất vấn, liên quan đến lĩnh vực nào thì bộ trưởng phụ trách lĩnh vực đó sẽ đăng đàn trả lời. Trong 2,5 ngày chất vấn, các thành viên Chính phủ phải có mặt ở Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ sẽ là người cuối cùng báo cáo trước Quốc hội. Nếu đại biểu chất vấn thì Thủ tướng sẽ trả lời câu hỏi như thường lệ. Phiên chất vấn Thủ tướng dự kiến sẽ kéo dài hơn một giờ. Trong kỳ này, có nhiều vấn đề liên quan đến các bộ, ngành nên cũng cố gắng “quét” hết các ý kiến và dành cho Thủ tướng một khoảng thời gian như đã nói. Với thời gian như vậy, thời gian Thủ tướng trả lời chất vấn lần này cũng có thể xem là dài.
Trên cơ sở lắng nghe các câu hỏi và những trả lời của các bộ trưởng, Thủ tướng có thể sẽ trả lời thêm. Bây giờ cũng chưa biết Thủ tướng sẽ trả lời như thế nào. Nếu vấn đề đã được các thành viên Chính phủ trả lời rõ ràng rồi thì đâu cần nhắc lại nữa.
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc