Chặt hạ 6.700 cây xanh: Không thể thực hiện như Hà Nội đang làm

Cưa hàng loạt cây phượng trên đường Lê Duẩn
Cưa hàng loạt cây phượng trên đường Lê Duẩn
TP - Trước nhiều ý kiến xung quanh kế hoạch chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh trên nhiều tuyến phố, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã yêu cầu rà soát việc cải tạo, thay thế cây xanh, đồng thời tiếp thu các ý kiến để tạo sự đồng thuận.  

Rà soát, tiếp thu ý kiến

Chiều qua 18/3, ông Nguyễn Thịnh Thành, Chánh Văn phòng - người phát ngôn của UBND thành phố Hà Nội đã có thông báo liên quan kiến nghị và thư ngỏ của ông Trần Đăng Tuấn về việc chặt hạ 6.700 cây xanh trên các tuyến phố.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo rà soát việc cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn thành phố, đảm bảo theo đúng quy hoạch và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị. Đồng thời, Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các cơ quan báo chí, thông tin công khai, đầy đủ, tạo đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn.

Lãnh đạo thành phố cũng lý giải việc cải tạo, thay thế cây đô thị trên địa bàn. Cụ thể, việc thay thế 6.700 cây xanh được thực hiện trong thời gian từ năm 2015 đến 2017 với kinh phí dự tính xấp xỉ 60 tỷ đồng... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn có một số ý kiến góp ý khác nhau, thành phố sẽ tiếp tục yêu cầu Sở Xây dựng tiếp thu và giải thích, làm rõ và vận động để người dân  hiểu, đồng thuận.

Trước đó, trong thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Trần Đăng Tuấn (Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam) kiến nghị tạm dừng việc chặt hạ cây một thời gian để người dân tự kiểm tra có đúng 6.700 cây đó là thuộc diện cần loại, thay hay không?  Trong thư, ông Tuấn cho rằng, người dân không phản đối việc đốn hạ cây vì những lý do bất khả kháng như cây nguy hiểm, bị cong, hỏng, dễ đổ, dễ gây tai nạn; cây gây hại cho sức khỏe, cây không có tác dụng cho cuộc sống hay để đảm bảo giao thông... 

“Chọn cây mới trên cơ sở gì, có thỏa đáng không và khía cạnh kinh phí thì như thế nào? Đã là hợp lý, tiết kiệm hay không trong thời điểm này? Bao nhiêu kinh phí từ ngân sách, bao nhiêu do các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ? Việc sử dụng ngân sách mua cây, trồng cây, thay cây... theo phương thức nào? Đó cũng là thể hiện trách nhiệm thông tin công khai, minh bạch...”, ông Tuấn viết trong thư ngỏ.

Thư ngỏ được ông Tuấn gửi bằng đường bưu điện tới vị lãnh đạo của Hà Nội, đồng thời đăng tải nội dung trên Facebook cá nhân. Bức thư nhận được hàng nghìn lượt thích (like) và nhiều chia sẻ đồng tình.

Dấy lên làn sóng hành động vì cây xanh

Chiều 18/3, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoài Nam- Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội thông tin, việc chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh, UBND thành phố Hà Nội chỉ hỏi ý kiến HĐND về mặt chủ trương: “Thành phố có báo cáo HĐND về mặt chủ trương là thay thế những cây sâu mọt, cây không đúng chủng loại… Còn cụ thể chặt bao nhiêu cây, chặt cây nào, ở phố nào, thay thế ra sao thì thành phố tự quyết định”, ông Nam cho hay.

Trên khắp các diễn đàn mạng, người dân đều không giấu được sự tiếc nuối trước quyết định sẽ chặt hàng ngàn cây xanh của thành phố Hà Nội. “Phải mất hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm chúng ta mới có được những hàng cây đẹp như thế. Có những hàng cây đã thành biểu tượng, là dấu ấn của Hà Nội. Giờ chặt hết, Hà Nội còn lại gì ngoài bê tông?”, một ý kiến đầy tiếc nuối.

Thậm chí trên mạng xã hội Facebook, một nhóm kêu gọi dừng đề án thay thế cây ở Hà Nội và kêu gọi hành động vì cây xanh. Chỉ sau 12 tiếng, nhóm đã nhận được hơn 10.000 người ủng hộ. Một số thành viên đã in thông điệp “Tôi là một cái cây khỏe mạnh, đừng chặt tôi” dán lên những thân cây bị đánh dấu X (cây bị chặt) tại đường Nguyễn Chí Thanh.

Trên các tuyến phố như Nguyễn Chí Thanh, Giảng Võ, Lê Duẩn, Quang Trung, Ngô Quyền, Ngô Thì Nhậm… có thể bắt gặp cảnh công nhân đang chắn đường để chặt cây xanh. Bà Nga, bán nước tại ngã ba Quang Trung - Ngô Văn Sở cho biết, cây xà cừ trước mặt đã có ở đây từ khi bà còn nhỏ, nay chặt đi để lại nhiều tiếc nuối. Bà Nga nói. Nhiều người dân quanh khu vực băn khoăn về kinh phí di chuyển cây xanh, theo bạn Đỗ Đức Minh, Đại học Hà Nội thì cây xanh ở đường Quang Trung đều đang rất đẹp. “Sau khi chặt, phần gốc phẳng lì không hề có sâu mục, tại sao vẫn chặt những cây như vậy” - sinh viên này bức xúc.

Trên tuyến đường Lê Duẩn, khoảng chục công nhân đang tiến hành đốn hạ các loạt cây phượng trước cửa công viên Thống Nhất. Công việc chặt, thay thế cây tại đường Nguyễn Chí Thanh đã được thực hiện gần 1 tuần. Đến chiều ngày 18/3, hai bên vỉa hè tuyến phố này gần như hoàn thành việc di chuyển, chặt hạ các cây xanh. Hàng hoa sữa hai bên đường đã được thay thế bằng hàng cây cọc cao chừng 5 - 6 mét.

Trao đổi với PV Tiền Phong, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, cây xanh đô thị là một phần của kiến trúc đô thị, cải thiện môi trường khí hậu, đặc biệt là môi trường khí hậu nhiệt đới như ở nước ta. Riêng ở Hà Nội, cây xanh còn là văn hóa, gắn với ký ức của nhiều người dân Thủ đô. “Phá nhà thì dễ, nhưng cây xanh thì phải trồng cả đời người mới có được một cây to. Con người là vốn quý của cuộc đời thì cây xanh là vốn quý của đô thị. Thay thế cây cối là quá trình thường xuyên, không thể đặt ra một mục tiêu, rồi thực hiện như Hà Nội đang làm được”, ông Tùng nói.

MỚI - NÓNG