Cầu thị

Cầu thị
TP - Như vậy là những tiếng nói của những người yêu di sản đã được lắng nghe. Cụ thể, di sản ở đây là ngôi trường gần trăm tuổi Châu Văn Liêm (Cần Thơ). Gần đây nhất, mới mấy ngày, UBND TP Cần Thơ đã tổ chức đoàn khảo sát thực tế tại ngôi trường này. Dẫn đầu đoàn là hai phó chủ tịch thành phố. 

Trước đó, quá trình phê duyệt dự án xây mới Trường THPT Châu Văn Liêm và các thủ tục khác liên quan đều cơ bản hoàn thành, chỉ chờ mở thầu và lãnh đạo TP Cần Thơ đã chỉ đạo xây mới trường dựa trên nguyên bản của Pháp. Kinh phí dự kiến lên đến 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi bắt đầu triển khai thực hiện dự án thì có nhiều ý kiến - không chỉ ở Cần Thơ - băn khoăn. Nhiều người yêu di sản đau xót đề nghị TP thận trọng. Có thể hiểu sắp tới lãnh đạo thành phố Cần Thơ sẽ cân nhắc lại về “số phận” của ngôi trường.

Cơ sở để phe “phá” là việc niên hạn sử dụng của ngôi trường chỉ đến năm 1987. Nhiều hạng mục đã xuống cấp trầm trọng, gây nguy hiểm… Cơ sở của phe “giữ” là xuống cấp thì sửa chữa, bảo tồn. Xây mới dù có giữ nguyên kiến trúc thì vẫn là “đồ mới”, không còn hồn vía, không có giá trị văn hóa, lịch sử. Ý kiến đáng chú ý nhất là của chuyên gia hàng đầu về bảo tồn kiến trúc cổ của VN, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính. Ông nói: “Các trường đại học như Sorbonne (Pháp), Cambridge (Anh), Harvard (Mỹ) hay Lomonosov (Nga)... đều là những cơ sở giáo dục lâu đời và người ta đều giữ lại những công trình kiến trúc cũ. Cho dù những kiến trúc này đã “quá thời hạn sử dụng”, không còn đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của thời nay.

Ngẫm ra thấy đúng. Văn Miếu thiêng vì ít nhất không giữ được công trình của 1.000 năm thì cũng vài trăm năm. Và tọa lạc tại đúng địa điểm cũ. Chứ một “Văn Miếu” xây mới hoàn toàn tại Vĩnh Phúc thì dẫu có đẹp, cũng đâu có thiêng?! Có giá trị văn hóa?

Những tòa kiến trúc lâu đời trở thành biểu tượng cho một uy tín, truyền thống và niềm tự hào. Trên thế giới đều vậy, chỉ có ta là vẫn còn có nơi có lúc giản đơn đến ấu trĩ. Vụ chùa Trăm Gian còn đó. Và nhiều vụ khác, nhắc tới lại đau lòng.

Cũng là những ngôi trường, tại TPHCM có 4 trường học vừa được xếp hạng di tích cấp thành phố là THCS Hồng Bàng, THPT Marie Curie, THPT chuyên Lê Hồng Phong và THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Đây đều là những ngôi trường “xưa” và việc xếp hạng này sẽ khiến những hành động can thiệp sẽ phải thận trọng hơn rất nhiều.

Trở lại số phận của ngôi trường Châu Văn Liêm, mới đây, trả lời báo chí, ông Trần Thanh Mẫn - Bí thư Thành ủy Cần Thơ - cho biết mấy ngày qua ông theo dõi rất sát báo chí và sẵn sàng lắng nghe ý kiến góp ý của các kiến trúc sư, chuyên gia và người dân về công trình này. “Tôi đã yêu cầu UBND TP và các cơ quan tham mưu mời các kiến trúc sư có kinh nghiệm nghiên cứu khảo sát kỹ, xem xét lại xem có cách nào không cần đập bỏ xây mới mà có thể trùng tu để sử dụng thêm vài ba chục năm nữa không” - ông Mẫn nói.

Đáng mừng khi vị lãnh đạo cao nhất thành phố đã tỏ thái độ cầu thị như vậy.

MỚI - NÓNG