Nhân dịp đoàn kiều bào ra thăm Trường Sa trong tháng 4 này, một lễ cầu siêu sẽ được tổ chức tại quần đảo để ghi nhận công lao của những anh hùng, liệt sĩ nhiều thế hệ, kể cả những người lính Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh vì bảo vệ Hoàng Sa năm 1974, cũng như các thuyền nhân thiệt mạng ngoài biển Đông.
Đó là những thông tin được Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đưa ra tại cuộc họp báo chiều 3/4 tại Hà Nội.
Ghi nhận công lao lính thủy VNCH hy sinh ở Hoàng Sa
Lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng hòa hy sinh ngoài Hoàng Sa năm 1974 không phải quân giải phóng, không thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam, “nhưng họ đã cầm súng bảo vệ chủ quyền biển đảo, chiến đấu chống kẻ thù xâm lược” nên “chúng ta cần nhìn nhận lịch sử một cách khách quan, phải ghi nhận cả những đóng góp của họ.
Họ đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo như những người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam năm 1988 ở Trường Sa, chứ không chết trên trận tuyến chống lại nhân dân, nên việc ghi nhận công lao của họ là việc làm chính nghĩa. Tôi cho rằng việc này được nhân dân cả nước ủng hộ”, Thứ trưởng Sơn nói.
Về thời hạn để kiều bào đăng ký giữ lại quốc tịch Việt Nam sẽ hết sau ngày 1/7, Thứ trưởng Sơn nói rằng, thời hạn nêu ra không hợp lý và gây phản cảm lớn. Vì thế, Bộ Ngoại giao đã đề xuất Chính phủ bỏ thời hạn này để bà con kiều bào có thể đăng ký bất kỳ lúc nào.
Ngoài ra, trên vùng biển Đông trong nhiều thập kỷ qua có nhiều đau thương. Nhiều thuyền nhân ra đi “vì khó khăn của đất nước, vì hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình, vì thiếu hiểu biết đối với chế độ”, ông Sơn nói. Hậu quả là nhiều người đã bỏ mạng ngoài biển Đông vì nhiều lý do khác nhau, như hải tặc, tai nạn… “Những người Việt Nam ra đi trước, trong và sau năm 1975 chúng ta gọi là những “nạn nhân của chiến tranh”, ông nói.
Ông cho biết: “Không có con số thống kê chính xác nhưng theo ước tính, chúng ta mất hàng ngàn người ngoài biển Đông. Có những chuyến đi mấy trăm người không ai sống sót, có những chuyến 2/3 tử nạn. Rất ít có chuyến 100% người sống sót. Đó là thực tế”. Tuy nhiên, đến nay “chúng ta không còn bận tâm đến mục đích ra đi của khoảng 4,5 triệu người Việt đang sinh sống ở nước ngoài”, Thứ trưởng Sơn khẳng định.
Vì thế, đại lễ cầu siêu nghi thức Phật giáo lần này sẽ dành cho “các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của các triều đại trước đây đã bảo vệ biển Đông, bạn bè quốc tế qua lại trên biển Đông, đồng bào của chúng ta đã thiệt mạng”, ông Sơn nói.
Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, một đoàn đại biểu kiều bào, trong đó có những doanh nhân đang thực hiện dự án tại Việt Nam và cả những người mới về Việt Nam lần đầu, sẽ tham dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trong tháng 4. Chương trình Cầu truyền hình Điện Biên - Hà Nội - Trường Sa với chủ đề “Ký ức hào hùng - Chủ quyền vững chắc” sẽ được tổ chức vào ngày 3/5 tới.
Chỉ còn ít kiều bào cực đoan
Thứ trưởng Sơn cho biết, đoàn công tác liên ngành của chính phủ đã sang Mỹ, Canada và Hàn Quốc từ ngày 9 đến 29/3 “nhằm mục đích cảm hóa, tiến tới phân hóa các đối tượng cực đoan, hận thù chống đối đất nước”.
Tại Mỹ, đoàn đã tiếp xúc một số thành phần chủ chốt, dẫn đầu các phong trào chống chế độ đang sống tại các bang Texas, New York, California, trong đó có quận Cam ở California.
“Đây là những con người chứa đựng hận thù ghê gớm với chế độ và nhà nước chúng ta, nhưng đã 40 năm qua, họ thấy rằng những biện pháp đấu tranh bạo động không giải quyết được vấn đề gì và những thay đổi trong chính sách quan tâm, đãi ngộ của Đảng, Nhà nước Việt Nam” đã làm cho các phong trào cực đoan, chống đối ngày càng giảm, quy mô nhỏ hơn vì ít người tham gia hơn. Thành phần cực đoan còn lại là những người “cực kỳ bảo thủ, cực đoan trong cách nhìn đối với sự đổi mới của đất nước”, ông Sơn nói. Đoàn công tác “đã đối thoại và thuyết phục họ tâm phục khẩu phục. Họ hứa sẽ tìm thời cơ thuận lợi để trở về Việt Nam”.
Thứ trưởng Sơn cho biết, 4-5 cá nhân như vậy sẽ tham gia chuyến đi Trường Sa kéo dài 10 ngày lần này. “Họ sẽ góp thêm tiếng nói vào việc tuyên truyền sự thật về chủ quyền biển đảo của chúng ta. Tôi hy vọng họ sẽ tâm phục khẩu phục khi tận mắt thấy biển đảo của chúng ta được bảo vệ vững chắc”, ông Sơn nói. “Khi họ nhìn nhận vấn đề một cách trung thực thì tôi cho rằng, ngày hòa giải dân tộc sẽ không còn lâu. Họ sợ nhất là chúng ta dâng biển bán đất, đi ngược lại lợi ích của dân tộc”.