Quốc hội thảo luận tổ về kinh tế - xã hội trước tình hình mới:

Cần tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu

 Đại biểu Trần Du Lịch - Tổ TPHCM. ảnh : Hồng vĩnh
Đại biểu Trần Du Lịch - Tổ TPHCM. ảnh : Hồng vĩnh
TP - Ngày 23/5, thảo luận về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2014, các đại biểu Quốc hội (ĐB) đều cho rằng cần gắn phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng - an ninh, trong đó có biển Đông.

Với tình hình biển Đông hiện nay, Ủy viên Ủy ban Tư pháp ĐB Đỗ Văn Đương đề nghị, Quốc hội phải tính tới ngân sách quốc phòng, phải đánh giá xác đáng ảnh hưởng của vấn đề giàn khoan của Trung Quốc đối với kinh tế. Tình hình hiện nay, buộc chúng ta phải tính đến cả những phương án xấu nhất, lường trước mọi diễn biến để có quyết sách đúng đắn lâu dài.

“Chúng ta muốn hòa bình nhưng phải chủ động mọi tình huống. Phải rà soát lại các dự án đầu tư, dành nguồn lực đóng những đội tàu lớn, cho ngư dân thuê tàu, mượn tàu, để cùng trấn giữ biển Đông. Chính sách kinh tế bây giờ cần thắt lưng buộc bụng, tập trung nguồn lực cho bảo vệ chủ quyền” - ĐB Đương kiến nghị. ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cũng cho rằng, tàu ta nhỏ sẽ khó khăn cho ngư dân bám biển. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để đóng những đội tàu lớn giúp ngư dân vươn ra khơi xa.

“Ngư dân chính là lực lượng quan trọng đang tham gia giữ gìn chủ quyền biển của chúng ta. Cần hỗ trợ để bà con có đủ tàu, đủ dầu để bám biển bằng cách đóng những tàu lớn cho ngư dân thuê hoặc bán theo giá bảo toàn vốn” - ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) kiến nghị.

Nhìn vào bức tranh 2014, không ít ĐB nhận định, năm nay kinh tế diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ cần có những giải pháp cụ thể, ứng phó chủ động với tình hình có nhiều khó khăn trong thời gian tới. Ngay lúc này, cần tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu, đồng lòng vượt qua khó khăn, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước.

“Chính phủ cần chính thức báo cáo với toàn thể nhân dân một cách rõ ràng, phù hợp về tình hình đất nước hiện nay, giải pháp về những vấn đề nhân dân quan tâm, để người dân không bị lợi dụng, kích động” - ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu.

Trong rủi có may

Phân tích những yếu kém của nền kinh tế, nhất là sự lãng phí trong chi tiêu, ĐB Trần Du Lịch đề nghị Quốc hội có nghị quyết cắt tối đa chi thường xuyên, siết chặt kỷ cương tài chính. “Tôi đi nước ngoài cuối năm, người ta không mời mình một bữa cơm vì ngân sách chưa duyệt, còn mình thì chi tiêu vô tội vạ!” - ông Lịch nói. ĐB Đặng Thành Tâm đề nghị, lúc này Quốc hội cần hiệu triệu toàn dân yêu nước và thực hành tiết kiệm, đồng thời gương mẫu cắt giảm chi tiêu.

“Tôi đi nước ngoài cuối năm, người ta không mời mình một bữa cơm vì ngân sách chưa duyệt, còn mình thì chi tiêu vô tội vạ!”.

ĐB Trần Du Lịch

Các ĐB chỉ ra rằng hiện nay điều lo ngại nhất là nền kinh tế nước ta đang lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, từ thị trường đến vật tư, nguyên liệu. Theo ĐB Trần Du Lịch, diễn biến hiện nay khiến chúng ta phải nghĩ tới việc phải thay đổi để thoát khỏi sự lệ thuộc đó. ĐB Đỗ Văn Đương lưu ý, phải dự báo cho được ảnh hưởng của vấn đề biển Đông đối với nền kinh tế, đặc biệt là với xuất nhập khẩu, an ninh lương thực, và tăng trưởng kinh tế. Chính phủ cần có những quyết sách thông minh, vừa bảo vệ chủ quyền vừa phát triển kinh tế không để phải ăn đong, phải lệ thuộc quá nhiều vào hàng xóm.

“Trong cái rủi có cái may. Chính sự kiện này là cơ hội để chúng ta thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguyên liệu của Trung Quốc” - đại biểu Trần Du Lịch nói.

Ngân sách là mồ hôi, nước mắt của dân

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm không cầm được nước mắt khi đề cập đến hình ảnh người nông dân bị chèn ép đủ đường. Nuôi tôm hàng chục năm, được mùa họ vẫn phải đi vay còn mất mùa thì trắng tay! Vì sao lại như vậy? Rõ ràng chiến lược, tầm nhìn và chính sách của chúng ta chỉ là trên giấy. Nó quá xa xỉ đối với người nông dân. Chúng ta đưa ra định hướng nhưng không có biện pháp cụ thể để giúp người nông dân.

Thương lái Trung Quốc vào mua rễ tiêu, móng bò chỉ có báo chí đăng, không thấy cơ quan nào lên tiếng. ĐB càng nói, tình hình càng xấu, nhưng chẳng ai từ chức. Trong khi đó chi tiêu ngân sách hết sức lãng phí. Có lẽ, dù sơ đẳng, nhưng phải giáo dục để mỗi công chức khi tiêu một đồng phải hiểu rằng đó là tiền chắt chiu từ mồ hôi, nước mắt của dân. Đã gần 40 năm rồi từ khi giải phóng, người nông dân vẫn còn rất khổ, chênh lệch quá xa giữa thành thị và nông thôn.

“Cần có cán bộ có tâm, có tầm, cam kết không tham nhũng, ăn bớt của dân, để giúp dân cải thiện điều kiện sống, điều kiện sản xuất thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia. Ví dụ như làm cầu cho dân, đừng để lợi ích nhóm nào dính vào. Đừng đợi chìm xuồng, chết vài ba chục người, rồi mới làm” - vị Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM kiến nghị.

Đại biểu Đào Văn Bình (Hà Nội) lo ngại, tăng trưởng nông nghiệp gần đây thụt lùi. Đời sống nông dân rất khó khăn. Trong thành tích nông thôn mới, nhiều làng quê bề ngoài rất khang trang nhưng bên trong là tình trạng chạy đua thành tích, thiếu bền vững. “Nhiều đơn vị vay tiền trước để đầu tư, có nơi nợ đầu tư xây dựng nông thôn mới hàng trăm tỷ đồng. Nhiệm kỳ này vay tiền đầu tư để lại món nợ cho khóa sau” - ĐB Bình cho biết.

MỚI - NÓNG