Chiều 24/4, đại diện Bộ Công an đã giới thiệu về thẻ căn cước công dân tại buổi thảo luận về Luật Căn cước công dân trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thẻ được làm bằng chất liệu nhựa, do Tổng cục Hậu cần - kỹ thuật sản xuất.
Quốc huy và ảnh của công dân được in màu trực tiếp trên thẻ căn cước. Về quy cách, thẻ có hình chữ nhật, kích thước 85,6 x 53,98 mm.
Mặt trước bên trái in ảnh của người được cấp thẻ có cỡ 20 x 30 mm, phía trên có hình quốc huy; thời hạn của thẻ. Bên phải thẻ có số định danh cá nhân; họ và tên khai sinh; họ và tên gọi khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quê quán; nơi thường trú. Phần mặt sau trên cùng là mã vạch 2 chiều.
Bên trái có 2 ô: ở trên là vân tay ngón trỏ trái; dưới là vân tay ngón trỏ phải. Bên phải, từ trên xuống gồm các chi tiết về đặc điểm nhận dạng; ngày, tháng, năm cấp thẻ; chức danh người cấp, ký tên và đóng dấu. Mẫu thẻ căn cước được Bộ Công an giới thiệu.
Mẫu thẻ căn cước.
Trên thẻ căn cước số định danh cá nhân - là mã số công dân gồm 12 số tự nhiên, được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý thống nhất trên toàn quốc, được cấp cho mỗi công dân Việt Nam và không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu cụ thể của một người trong cơ sở dữ liệu.
Theo tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Căn cước công dân được Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 24/4, thẻ Căn cước công dân sẽ thay thế sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh. Nói một cách ví von thẻ căn cước sẽ trở thành 'chìa khóa đa năng' của công dân.
Nếu Luật Thẻ căn cước công dân được kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII thông qua quy định về việc sử dụng thẻ căn cước bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2015. Đối với CMND đã cấp trước ngày này mà còn thời hạn thì vẫn có giá trị sử dụng. Những nơi chưa có điều kiện cấp thẻ căn cước tiếp tục cấp đổi CMND theo quy định hiện hành.