Thẻ căn cước sẽ thay hộ khẩu

Thẻ căn cước sẽ thay thế sổ hộ khẩu, chứng minh thư...
Thẻ căn cước sẽ thay thế sổ hộ khẩu, chứng minh thư...
TPO - Theo dự thảo Luật Căn cước công dân tới  năm 2020, thẻ căn cước sẽ thay thế sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh.  

Theo tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Căn cước công dân được Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 24/4, tới năm 2020 thẻ Căn cước công dân sẽ thay thế sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh.

Cụ thể, trên thẻ Căn cước công dân sẽ có thông tin về nơi thường trú của công dân. Do đó, sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng và tích hợp đầy đủ dữ liệu về công dân sẽ bỏ sổ hộ khẩu.

Bộ Công an cho biết nếu Luật đi vào thực hiện chậm nhất 1/1/2020, các địa phương phải thực hiện thống nhất theo quy định của Luật này.

Dự thảo luật cho biết, thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng nhận căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan có thẩm quyền cấp từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Trên thẻ Căn cước công dân cũng có thông tin về họ và tên khai sinh, họ và tên gọi khác, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc. Các thông tin này được tích hợp từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên công dân có thể sử dụng thẻ Căn cước công dân để chứng minh các thông tin này trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân mà không cần phải sử dụng một số giấy tờ khác của công dân.

Mặt khác, trên thẻ Căn cước công dân có số định danh cá nhân của mỗi người, giúp cho công dân thuận tiện khi giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện các giao dịch dân sự, giúp cơ quan, tổ chức kiểm tra, khai thác các thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Hạn sử dụng thẻ Căn cước công dân được xác định như sau: Hạn sử dụng thẻ của người dưới 15 tuổi là từ khi cấp thẻ đến khi người đó đủ 14 tuổi; Hạn sử dụng thẻ của người từ 15 tuổi đến dưới 25 tuổi là 10 năm, kể từ ngày cấp; Hạn sử dụng thẻ của người từ đủ 25 tuổi đến dưới 70 tuổi là 15 năm, kể từ ngày cấp; Không xác định hạn sử dụng đối với thẻ của người từ 70 tuổi trở lên.

Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết, công dân có thể làm thủ tục nơi cấp, cấp lại thẻ căn cước công dân mà không nhất thiết trở lại nơi đăng ký giấy tờ thường trú, hộ trú để làm. Như vậy, công dân có thể lựa chọn nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo quy định trên mà không phụ thuộc vào nơi cư trú.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lưu ý, công ước quốc tế quy định sự xuất hiện của một con người phải được ghi nhận. Vì vậy cần cấp thẻ căn cước ngay từ khi ra đời và giấy khai sinh không phù hợp nữa.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo khi làm luật phải nghĩ ngay tới việc tạo thuận lợi cho người dân chứ không phải gây tốn kém, phiền hà. Do vậy, Luật phải hướng tới việc tích hợp các giấy tờ như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, chứng minh thư nhân dân… vào thẻ Căn cước công dân.

MỚI - NÓNG