Cụ thể, trên thẻ Căn cước công dân có thông tin về nơi thường trú của công dân và sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng, tích hợp đầy đủ dữ liệu về công dân sẽ bỏ sổ hộ khẩu. Bộ Công an cho biết, nếu Luật đi vào thực hiện chậm nhất 1/1/2020 các địa phương phải thực hiện thống nhất theo quy định của luật này.
Thẻ Căn cước sẽ thay thế nhiều giấy tờ cá nhân
Dự thảo luật cho biết, thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng nhận căn cước của công dân Việt Nam. Công dân có thể sử dụng thẻ Căn cước công dân để thực hiện các quyền, nghĩa vụ mà không cần phải sử dụng một số giấy tờ khác.
Mặt khác, trên thẻ Căn cước công dân có số định danh cá nhân của mỗi người, giúp cho công dân thuận tiện khi giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện các giao dịch dân sự, giúp cơ quan, tổ chức kiểm tra, khai thác các thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Nội dung của thẻ Căn cước công dân
Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng nhận căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan có thẩm quyền cấp từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Trên thẻ có các nội dung như: Số định danh cá nhân; họ và tên khai sinh; họ và tên gọi khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quê quán; nơi thường trú.… Số định danh cá nhân là mã số công dân gồm 12 số tự nhiên, được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý thống nhất trên toàn quốc, được cấp cho mỗi công dân Việt Nam và không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu cụ thể của một người trong cơ sở dữ liệu.
Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết, công dân có thể làm thủ tục nơi cấp, cấp lại thẻ Căn cước công dân mà không nhất thiết trở lại nơi đăng ký giấy tờ thường trú, tạm trú để làm. Như vậy, công dân có thể lựa chọn nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo quy định trên mà không phụ thuộc vào nơi cư trú.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lưu ý công ước quốc tế quy định sự xuất hiện của một con người phải được ghi nhận vì vậy cần cấp thẻ căn cước ngay từ khi ra đời và giấy khai sinh không phù hợp nữa.
Lê Văn Luyện có 3 ngày sinh - sao lại tùy tiện thế?
Sáng cùng ngày, khi trình bày dự thảo Luật Hộ tịch, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, vẫn còn tồn tại 3 cấp có thẩm quyền đăng ký hộ tịch, dẫn đến chồng chéo giữa quản lý và đăng ký. Nhiều địa phương lại chỉ chú ý đến nhiệm vụ đăng ký mà ít quan tâm đến quản lý hộ tịch. Bên cạnh đó, những sai phạm trong đăng ký hộ tịch vẫn diễn ra…
Nhắc đến vụ án Lê Văn Luyện (Bắc Giang) và những rắc rối khi đối tượng có 3 ngày sinh khác nhau tại sổ hộ khẩu, CMND, học bạ, bằng tốt nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định, điều này sẽ được khắc phục khi Luật Hộ tịch ra đời, không thể lợi dụng để chỉnh sửa ngày tháng năm sinh tùy tiện như vậy.
Tờ trình của Chính phủ cho biết, hiện có khoảng 20 loại giấy tờ cá nhân như: Giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng tử, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy phép lái xe… Mỗi loại giấy tờ có một vai trò khác nhau và khiến người dân khó khăn khi sử dụng. Luật Hộ tịch ra đời không trực tiếp xóa bỏ hay thay thế được loại giấy tờ nào nhưng về gián tiếp sẽ tạo ra bước đột phá khi quy định mã số định danh cá nhân.
Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án 896 (Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) thì từ 1/1/2016, sẽ cấp mã số định danh cá nhân trên toàn quốc cho cả những công dân sinh trước và sinh từ 1/1/2016, vì đây là thời điểm dự kiến hạ tầng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có thể vận hành.
Trước câu hỏi của các ủy viên UBTVQH về việc mã số này được thể hiện trong loại giấy tờ nào, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Sổ hộ tịch được coi là sổ gốc, nằm ở trung tâm lưu trữ quốc gia. Sau này sẽ cải tiến bỏ rất nhiều loại sổ, giấy tờ, tập trung vào sổ hộ tịch. Nhà nước quản lý sổ này, chỉ cấp trích lục cho người dân khi cần thiết, không cấp bản chính.