Cán bộ quản lý, bảo vệ rừng Đắk Nông bị thương do 'đinh tặc'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông diễn ra nhiều vụ phá rừng, đốt rừng. Không chỉ vậy, các đối tượng xấu đóng đinh vào đế cao su rải cố định dọc đường đi khiến không ít cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng bị thương trên đường đi chữa cháy. 

Giăng bẫy bằng đinh

Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều diện tích rừng phòng hộ, rừng trồng trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa và huyện Đắk Glong (Đắk Nông) do Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Gia Nghĩa quản lý bị cháy bất thường.

Cán bộ quản lý, bảo vệ rừng Đắk Nông bị thương do 'đinh tặc' ảnh 1

Một vụ đốt rừng ở huyện Đắk G'Long

Ông Pàng Lạp Si - nhân viên quản lý, bảo vệ rừng thuộc BQLRPH Gia Nghĩa cho biết, bước vào mùa khô, nắng nóng kéo dài, lâm tặc hoành hoành. Đây là khoảng thời gian mà cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng phải vất vả, tập trung cao độ “canh lửa” cho những cánh rừng.

“Chúng tôi gặp không ít khó khăn khi trên đường di chuyển, phương tiện bị cán phải đinh. Các đối tượng xấu đóng đinh vào đế cao su rải cố định dọc đường đi. Đặc biệt, những đoạn đường cua gấp, các đối tượng còn chôn đinh xuống đất, phủ lá lên trên để chúng tôi không kịp điều khiển xe tránh được. Đã có vài nhân viên bảo vệ rừng điều khiển xe xuống dốc cán phải đinh, ngã xuống đường bị đinh đâm vào người gây thương tích", ông Si nói.

Cán bộ quản lý, bảo vệ rừng Đắk Nông bị thương do 'đinh tặc' ảnh 2

Xe máy của nhân viên quản lý, bảo vệ rừng dính đinh

Theo BQLRPH Gia Nghĩa, nguyên nhân các vụ cháy rừng bất thường, “đinh tặc” xuất hiện trên đường ngăn nhân viên quản lý, bảo vệ đến đám cháy được xác định do các đối tượng phá rừng "trả thù" lực lượng chức năng.

Cán bộ quản lý, bảo vệ rừng Đắk Nông bị thương do 'đinh tặc' ảnh 3
Nhân viên quản lý, bảo vệ rừng đi nhặt đinh do lâm tặc "giăng bẫy"

“Chỉ trong vòng 1 tháng, trên diện tích rừng phòng hộ, rừng trồng thuộc BQLRPH Gia Nghĩa đã xảy ra 7 vụ cháy rừng, diện tích khoảng 15ha. Các vụ cháy rừng đều được BQLRPH Gia Nghĩa phát hiện từ rất sớm nhưng do lâm tặc rải đinh nên phương tiện di chuyển bị thủng lốp. Nhiều lần, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng đã bỏ lại phương tiện chạy bộ để cứu rừng. Một phần do lực lượng mỏng, dập lửa thủ công nên đã xảy ra những thiệt hại về rừng”, ông Vũ Văn Trọng, Giám đốc BQLRPH Gia Nghĩa cho hay.

Ngăn chặn “chảy máu” rừng

Không chỉ đốt rừng, nhiều diện tích rừng thông non ven Quốc lộ 28 (đoạn qua xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long) bị huỷ hoại, nhổ bỏ nhằm chiếm đất rừng. Từ năm 2020 tới nay, Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn, đơn vị được giao quản lý, bảo vệ phần lớn diện rừng thông tại xã Quảng Sơn, đã phát hiện 21 vụ hủy hoại rừng (18 vụ hủy hoại rừng thông non, gây thiệt hại gần 6.000 cây; 3 vụ phá rừng thông gây thiệt hại 68 cây thông đã hơn 40 năm tuổi).

Cán bộ quản lý, bảo vệ rừng Đắk Nông bị thương do 'đinh tặc' ảnh 4

Nhiều diện tích thông non bị kẻ xấu nhổ bỏ

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đắk Nông thừa nhận tình trạng chặt phá rừng trên địa bàn tỉnh đang rất nóng. Nguyên nhân do nhóm người di cư tự do sinh sống và canh tác, dẫn đến tình trạng chặt phá rừng để làm nương rẫy.

“Sau khi tiếp nhận thông tin từ BQLRPH Gia Nghĩa, Sở đã cử một Phó Giám đốc, lực lượng Hạt Kiểm lâm Gia Nghĩa trực tiếp xuống địa phương nắm bắt, phối hợp với ban trên và UBND huyện Đắk G’Long xử lý các điểm nóng. Đồng thời, đề nghị lực lượng công an điều tra, xử lý các đối tượng cầm đầu huỷ hoại rừng theo đúng pháp luật”, ông Phạm Tuấn Anh cho biết thêm.

Theo Sở NN&PTNT Đắk Nông, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 800 hộ dân đang sinh sống, canh tác trong rừng phòng hộ. Vấn đề di dân tự do, đốt rừng, phá rừng, đặc biệt là tranh chấp đất giữa người dân với đơn vị quản lý rừng đang có chiều hướng gia tăng.

MỚI - NÓNG