Cám cảnh dân nghèo bị kiện đòi nợ

Bà Thái Thị Oanh đang chăm chồng bị tai biến, cuộc sống khó khăn nay lại càng thêm chật vật. Ảnh: H. Văn
Bà Thái Thị Oanh đang chăm chồng bị tai biến, cuộc sống khó khăn nay lại càng thêm chật vật. Ảnh: H. Văn
TP - Tin một phụ nữ trong thôn, 25 hộ nghèo thôn Giang Nam, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước,  tỉnh Bình Định bị lừa, chiếm đoạt tiền vay vốn theo chương trình cho vay hộ nghèo, đối mặt đơn kiện của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện (NHCSXH), buộc trả số tiền bị chiếm đoạt trước đó.

Vụ việc diễn ra từ năm 2009, khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Quản (SN 1949, thôn Giang Nam) là Tổ trưởng tổ vay vốn và tiết kiệm, được NHCSXH huyện Tuy Phước ủy nhiệm đôn đốc tổ viên trả nợ, thu lãi, thu tiền tiết kiệm mang nộp cho ngân hàng theo quy định. Lợi dụng vị trí này, bà Quản đã vay ké đồng thời chiếm dụng số tiền gốc, lãi mà các hộ dân gửi bà Quản nhờ nộp trả cho ngân hàng.

Năm 2012 vụ việc vỡ lở, bà Quản bị cơ quan chức năng huyện Tuy Phước truy tố và đưa ra xét xử về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tháng 2/2015, TAND tỉnh xử phúc thẩm y án bà Quản 9 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời tuyên buộc phải trả số tiền đã chiếm dụng của các bị hại (30 người), tổng cộng khoảng 300 triệu đồng.

Bản án hình sự kết thúc, NHCSXH huyện Tuy Phước nộp đơn khởi kiện dân sự đòi nợ gốc, nợ lãi đối với 25 trường hợp (5 trường hợp đã tự nguyện trả nợ), tổng cộng số tiền 294 triệu đồng nợ gốc.

Nghèo lại gặp lừa

Bà Nguyễn Thị Quạ (77 tuổi) cho biết, con gái bà là chị Trần Thị Xuân Phương mượn tên bà vay NHCSXH huyện Tuy Phước 30 triệu đồng, trong đó bị bà Quản vay ké 13 triệu đồng. “Chữ nghĩa ít nên mọi giấy tờ thủ tục đều thông qua bà Quản. Sau này tiền trả nợ ngân hàng cũng đưa cho bả trả, ai ngờ bả không trả mà chiếm đoạt” - bà Quạ nói. Bà Quản nhận tội, bị bắt ngồi trong tù nhưng giờ ngân hàng kiện chúng tôi yêu cầu trả vì tôi đứng tên vay. Bản án dân sự mà TAND huyện Tuy Phước tuyên xử tháng 8/2015 tuyên buộc con gái bà là chị Phương phải trả lại cho ngân hàng số tiền 21,8 triệu đồng (gồm cả tiền gốc và lãi).

“Là cán bộ tín dụng đứng chân địa bàn xã Phước Hiệp vào thời điểm đó tôi chỉ có khuyết điểm là không trực tiếp đối chiếu nợ vay đối với người vay vốn nên mới để xảy ra việc bà Quản gian dối trong thời gian dài”. 

Ông Nguyễn Văn Thi -

Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tuy Phước

“Nếu bà Quản có trả tiền thì mới có mà giao lại cho ngân hàng chứ giờ kiếm đâu ra ngần ấy tiền để trả lần nữa?!”, bà Quạ nói như khóc.

Bà Nguyễn Thị Hường (59 tuổi) trình bày: Năm 2009, bà Quản đến nhà hỏi có vay vốn theo chương trình cho vay hộ nghèo, bà Hường nói cần vay 7 triệu đồng để đấu giá ruộng. Nhưng hôm sau khi đến ngân hàng thì thấy giấy cho vay 30 triệu đồng. Thắc mắc thì bà Quản khẩn khoản xin vay ké số tiền còn lại và viết giấy tay về khoản nợ. Tháng 2/2010, bà Quản lại đến tận nhà để thu lại số tiền 7 triệu đồng.

“Tôi nói để mang vô nộp trả ngân hàng nhưng bà Quản nói ngân hàng đã ủy quyền cho bả đi thu. Bà Quản cũng là người trong làng lại là Tổ trưởng tổ vay vốn tiết kiệm nên chúng tôi đã cả tin mà không đề phòng”, bà Hường nói.

Bà Thái Thị Oanh (64 tuổi) trong hoàn cảnh tương tự. Chồng bị tai biến nằm liệt một chỗ nên khi bà Quản ngỏ ý vay tiền ngân hàng để chạy chữa cho chồng thì bà Oanh gật đầu. Bà Oanh cho biết, năm 2009 bà vay NHCSXH huyện 20 triệu đồng, trong đó bà Quản vay ké 5 triệu đồng. Dù đã nộp đầy đủ số tiền gốc lẫn lãi cho bà Quản nhờ nộp cho ngân hàng nhưng nay lại bị ngân hàng kiện, đòi bà phải trả số tiền 12 triệu đồng. Bà Oanh là một trong 6 hộ dân có đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm, trình bày ý kiến về sự bất hợp lý của bản án.

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Phượng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phước Hiệp, các trường hợp đi vay đều là những hộ có hoàn cảnh thực sự nghèo, khó khăn. Cuộc sống khó khăn như vậy mà giờ phải bỏ thêm một lần tiền nữa để trả cho ngân hàng thì rất là khó cho họ.

Đợi quyết định của cơ quan pháp luật

Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Tuy Phước, cho rằng, ngân hàng đã thực hiện đúng các quy trình, thủ tục. Trong thời gian dài bà Quản chiếm đoạt nhưng ngân hàng không hay biết là do người dân và bà Quản đã thông đồng, thống nhất trước đó. Người dân đồng ý vay tiền tại thời điểm đó lãi suất thị trường cao nên họ vay như thế không sử dụng vào mục đích mà lấy tiền đó đưa cho bà Quản để hưởng chênh lệch lãi suất (?!). Một số hộ gửi cho bà Quản đi trả, một số đưa cho bà Quản để hưởng lãi suất hằng tháng nên không phát hiện được.

Ngân hàng cùng xã phối hợp để kiểm tra đối chiếu hằng năm. Xã phát giấy mời người vay lên đối chiếu, nhưng những người này bà Quản lại không mời lên để đối chiếu nên danh sách còn lại ngân hàng lại giao lại để tổ đi đối chiếu. Trong khi hằng tháng bà Quản đều lên nộp lãi đầy đủ nên ngân hàng không biết?

Bà Phạm Thị Nhung, Giám đốc NHCSXH Tuy Phước khẳng định: “Quan điểm của ngân hàng là hộ dân  vay tiền của ngân hàng thì phải có nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng. Còn việc họ đưa cho bà Quản là quan hệ khác. Hiện cơ quan pháp luật đang giải quyết, cơ quan pháp luật yêu cầu buộc ai trả thì ngân hàng chấp nhận theo người đó”.

MỚI - NÓNG