Đủ chiêu lừa đảo dân nghèo

Ông Hùng với bản hợp đồng lừa đảo (ảnh lớn); Hộp bút giá 100 nghìn đồng (ảnh nhỏ). Ảnh: H.T
Ông Hùng với bản hợp đồng lừa đảo (ảnh lớn); Hộp bút giá 100 nghìn đồng (ảnh nhỏ). Ảnh: H.T
TP - Thời gian gần đây, nhiều đối tượng lừa đảo giả danh cán bộ, nhân viên công ty về các vùng thôn quê mồi chài người dân mua hàng gây quỹ từ thiện, tiếp thị sản phẩm khuyến mãi với giá trên trời. Chúng còn dụ dỗ cả cán bộ địa phương cấp giấy giới thiệu khiến không ít dân nghèo sập bẫy.

Lừa lắp bảng quảng cáo, bán hàng khuyến mãi rởm

Trong căn nhà xập xệ, ông Huỳnh Hùng, 65 tuổi, ở thôn 8, xã Ea Lê (Ea Súp, Đắk Lắk) đưa chúng tôi xem bản hợp đồng dựng biển quảng cáo. Ông Hùng kể: Cách đây hơn 1 tháng, có hai thanh niên đi xe máy ghé nhà tự xưng là nhân viên một công ty điện năng lượng mặt trời ở TPHCM, chi nhánh khu vực Tây Nguyên đặt tại Buôn Ma Thuột, muốn thuê khu đất trước nhà đặt biển quảng cáo bóng đèn năng lượng mặt trời, thời gian thuê 5 năm, mỗi tháng 2 triệu đồng. Tôi đồng ý, nhờ con ký vào bản hợp đồng họ soạn sẵn. Họ đem 2 bóng đèn ra giới thiệu chạy bằng năng lượng mặt trời, chỉ cần nhúng vào nước là sáng, rồi bảo tôi mua 2 bóng giá 1 triệu đồng/bóng. Không có tiền, họ bảo đưa vàng cũng được, khi nào công ty tới lắp bảng sẽ trừ vào tiền thuê mặt bằng. Họ hẹn đến ngày 30/9 đi xe con tới chở tôi ra nhà văn hóa huyện nhận quà và tiền thuê đất, chờ mãi tới nay chả thấy họ quay lại. May mà tôi không mua bóng đèn.

Gia đình anh Nguyễn Văn Việt, ở xã Ea Lê, vẫn còn ấm ức vì bị dính cú lừa mua hàng khuyến mãi với giá cắt cổ. Theo lời anh Việt, sáng ngày 11/8, có 2 thanh niên ăn mặc lịch sự áo sơ mi quần tây đóng thùng, đi ô tô sang trọng tới tự xưng là nhân viên của siêu thị Coop Mart muốn thuê mặt bằng cửa hàng để treo băng rôn, trưng bày sản phẩm cho chương trình khuyến mãi bếp điện từ. Họ bảo chương trình chỉ có 5 suất khuyến mãi, ưu tiên người ở vùng sâu huyện Ea Súp, anh Việt là người may mắn nhận suất cuối cùng. “Họ bảo thuê mặt bằng 3 tháng với giá 3 triệu đồng, mỗi tháng công ty cấp cho 3 lít dầu, 3 kg đường trong vòng 1 năm, tặng 1 chiếc tivi to nên tôi đồng ý. Ký hợp đồng xong, họ đem bếp điện từ ra quảng bá bếp dùng bằng năng lượng mặt trời, chỉ cần phơi nắng 2 tiếng dùng được 5 ngày, rồi mời tôi mua giá 5 triệu đồng kèm bộ nồi inox. Tin lời, tôi mua, sau đó họ mượn lại bộ nồi bảo để đi tiếp thị, ngày dựng bảng quảng cáo sẽ trả nhưng họ đi luôn. Gần tháng sau họ bị công an bắt ở Lâm Đồng, Công an gọi điện về gia đình tôi mới biết mình bị lừa”, anh Việt nói.

Giả danh cán bộ Trung tâm khuyết tật

 Nhiều ngày qua dân chúng thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) liên tục nhận được lời mời mua bút bi gây quỹ từ thiện với giá cao gấp đôi ngoài thị trường của hai thanh niên tự nhận là nhân viên Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ em khuyết tật tỉnh Đắk Lắk. Để tạo lòng tin, chúng đến UBND xã Cư Bao xin giấy giới thiệu tiếp thị văn phòng phẩm gây quỹ từ thiện. Đến nhà ai chúng đều trình giấy giới thiệu do xã cấp khiến nhiều người tin tưởng mua ủng hộ.

Chị Lê Đan Thương, 24 tuổi, bức xúc kể: Tôi đang ở nhà thì họ tới mời mua bút gây quỹ giúp trẻ khuyết tật với giá 100 nghìn đồng/hộp (20 cây). Thấy tôi nghi ngờ, 2 thanh niên trình giấy giới thiệu có con dấu và chữ ký do Phó chủ tịch UBND xã ký, tôi mới tin tưởng mua 1 hộp ủng hộ. Ông Đặng Văn Hùng, 50 tuổi, cùng xã cũng mua 2 hộp bút hết 200 nghìn.”Hỏi ra giá thật rẻ hơn nhiều. Ai ngờ lòng tốt của mình lại bị lừa như thế”, ông Hùng than thở.

Giải thích việc cấp giấy giới thiệu cho 2 thanh niên, ông Đậu Công Điền, Phó chủ tịch UBND xã Cư Bao, nói: Hai thanh niên này đến văn phòng UBND xã trình giấy giới thiệu người của Trung tâm khuyết tật tỉnh. Sau đó văn phòng tham mưu nên ông đã ký giấy giới thiệu (có giá trị 1 ngày) đến các trường học bán hàng gây quỹ. Tuy nhiên, kiểm tra vỡ lẽ hai người này không phải cán bộ của Trung tâm, tôi đã giao công an thông báo đến các trường và thôn để người dân cảnh giác. “Thấy họ có giấy giới thiệu của Trung tâm, lại đi bán gây quỹ từ thiện nên tôi mới ký giấy giúp đỡ. Ai ngờ họ lại lợi dụng đi lừa đảo vậy”, ông Điền nói.

Bà Phạm Thị Tuyết, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ em khuyết tật tỉnh Đắk Lắk khẳng định: Trung tâm chỉ có chức năng nuôi dạy trẻ khuyết tật chứ không tổ chức bất kỳ hoạt động kinh doanh nào để gây quỹ. Trước đây cũng có nhiều trường hợp tự xưng người của Trung tâm đến các trường học, cơ quan mời mua văn phòng phẩm, tổ chức ca nhạc… Trung tâm đã có văn bản gửi các địa phương trên địa bàn tỉnh để mọi người cảnh giác với bọn lừa đảo. 

Trung tá Bùi Trọng Tuấn, Trưởng Phòng tham mưu tổng hợp, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: Tội phạm lừa đảo ngày càng gia tăng, chiêu thức lừa đảo tinh vi, khó lường. Qua các cuộc giao ban hàng tháng, Công an tỉnh luôn chỉ đạo công an các huyện phổ biến tuyên truyền cho người dân biết các mánh khóe, thủ đoạn lừa đảo cho người dân đề cao cảnh giác, nhất là các địa phương vùng sâu, vùng xa.

MỚI - NÓNG