Tới vào ngày hôm trước khai mạc, thấy mọi thứ còn ngổn ngang, nghiêng ngả lắm. Tuy nhiên, có thể nhận thấy ngay cái sự độc. Bởi thoáng nhìn thì tưởng có mỗi một bức tượng người bằng thạch cao đứng đổ nghiêng ra hướng cửa. Nhìn lại mới thấy dưới chân nó là cái bóng, được tạo thành từ hàng nghìn bức tượng cũng bằng thạch cao nhưng được sơn đen.
Tác giả - tên thật là Quý, lấy nghệ danh Quỷ - kéo tôi ra vỉa hè nói chuyện cho tiện.
Cả triển lãm của anh chỉ có từng này thôi hả?
Tới hơn nghìn thằng “đen đen nhỏ nhỏ” mà anh còn chê ít à? Tôi chuẩn bị 5.000, không ngờ chỉ dùng hết có 1/3.
Thật ra, toàn bộ tác phẩm này được ghép lại từ các phiên bản kích cỡ to nhỏ của một mẫu tượng đứng. Nó gồm một “thằng” trắng to, bị rất nhiều thằng “đen đen nhỏ nhỏ” bám, đậu lên người nên không đứng thẳng được, phải nghiêng 45 độ. Thế nó mới sinh ra cái bóng - cũng là từ những thằng “đen đen nhỏ nhỏ” ghép thành.
Từ đâu anh có ý tưởng kỳ kỳ như thế này?
Trong một lần đi làm tượng thuê về, thấy cây xà cừ bên đường bị đổ, tôi liền liên tưởng tới cây bưởi nhà mình. Cây bưởi bị rất nhiều cây tầm gửi bám vào, kéo cho gần đổ.
Ý tưởng là thế, tôi bắt đầu đi tìm hình. Có điều trước nay mọi người cứ kêu tôi hay làm “cây, con” nên lần này quyết định làm hẳn thằng người.
Đây không phải là ý muốn “lên đời”. Mục đích cuối cùng là vẽ chân dung cuộc sống. Giống người ta vẽ khẩu súng buộc nòng không phải nhằm tả khẩu súng mà là nói đến hòa bình. Cách sáng tác của tôi cũng “ý tại ngôn ngoại” như vậy. Cây con hay gì gì cũng chỉ để miêu tả tâm hồn con người, để làm nghệ thuật.
Thằng người con con. Ảnh: Trung Dũng.
Nghệ thuật của anh là nghệ thuật sắp đặt?
(lắc đầu) Tôi làm điêu khắc. Có điều tác phẩm thường kèm các phụ kiện, bố trí này nọ nên mọi người cứ tưởng là “sắp đặt”. Nói sắp đặt nghe đao to búa lớn. Tôi chỉ nghĩ đơn giản làm tác phẩm cần bày biện ra cho người ta
suy nghĩ.
Trong nghệ thuật phải có ý và hình. Nếu chỉ có hình đẹp không thì trở thành một thứ xu-vơ-nia rẻ tiền. Cái tôi hướng đến là từ những ý tưởng nhỏ tạo ra các tác phẩm dung dị mà có thể rung động lòng người.
Vì vậy, anh đầu tư công sức tiền của làm triển lãm này, với mục đích khiến người ta phải suy ngẫm về cái sự đời?
Tôi chỉ là anh nông dân, làm gì có nhiều tiền thế. Đây là không gian nghệ thuật chung. Mình phác thảo ý tưởng, ban tổ chức đồng ý thì hỗ trợ kinh phí để làm tác phẩm, tổ chức triển lãm.
Nhưng triển lãm cũng nhằm tiếp cận công chúng, để bán tác phẩm. Hồi trước anh chẳng bán được đàn vịt với giá mấy chục ngàn đô thông qua một dịp như thế này?
Hiếm hoi thôi anh ơi. Như lần triển lãm Những cái đuôi. Cũng được quan tâm lắm. Rốt cuộc, tôi chỉ bán được hai con lợn. Số còn lại phải đốt bỏ. Nên lần này cũng không đặt nặng vấn đề bán chác.
Vậy thì đặt nặng vấn đề nghệ thuật. Làm triển lãm nhiều, đối mặt thử thách từ công chúng nhiều, anh tự tin với nghệ thuật của mình hơn chứ?
Cũng có. Trước đây, tôi giống quả bưởi ít cùi. Qua thời gian, quả bưởi lớn dần, vỏ mỏng dần đi. Nhưng chẳng dám khẳng định là tôi chín hay còn xanh dù không còn là trẻ nữa. Người làm nghệ thuật cần được đánh giá qua tác phẩm, mà người già không có nghĩa tác phẩm sẽ hay hơn người trẻ, sâu sắc hơn người trẻ. Già chỉ có nhiều thời gian chiêm nghiệm hơn. Quan trọng là phải nghiêm túc trong công việc để làm ra tác phẩm thực sự có ý nghĩa.
Triển lãm Cái bóng nghiêng của họa sĩ Trần Đức Quỷ kéo dài tháng rưỡi từ 9/1 tới 24/2 tại Trung tâm văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.