Triển lãm Danh tướng Việt Nam: Nghệ thuật và tấm lòng

Bà Thục bên bức tranh ghép bằng diêm chân dung Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Trung Dũng.
Bà Thục bên bức tranh ghép bằng diêm chân dung Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Trung Dũng.
TP - Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập QĐND Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử phối hợp Bảo tàng Lịch sử Quân sự tổ chức Triển lãm mỹ thuật về những vị tướng góp phần quan trọng xây dựng lực lượng Quân đội trong những ngày đầu (gọi tắt là Triển lãm Danh tướng Việt Nam).

Chuyện của những người trẻ

Nhà sử học Dương Trung Quốc khai mạc triển lãm, nhấn mạnh: “Các tác phẩm trưng bày có thể cho chúng ta nhiều cung bậc cảm xúc nghệ thuật. Nhưng trước hết nó nói lên tấm lòng của thế hệ trẻ với những người có công với đất nước”.

Một nhóm nghệ sĩ trẻ như Nguyễn Doãn Sơn, Trần Tuấn Long, Mai Duy Minh... bắt tay thực hiện dự án Huyền thoại Việt Nam từ hai năm nay. Triển lãm này là một phần trong đó với nội dung xoay quanh hai Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Chí Thanh.

Chắc người yêu nghệ thuật và lịch sử ít có dịp ngắm hai anh hùng quân đội này ở nhiều sắc thái như thế. Đi từ những bức ảnh tư liệu tới chùm tranh chân dung sơn mài, sơn dầu lẫn màu nước với tham vọng khắc họa các điểm nhấn trong đời binh nghiệp của hai vị đại tướng. Xem tranh, người ta thấy cả khói lửa Điện Biên hay những Lai Khê, Bàu Bàng, Dầu Tiếng.

Nhà điêu khắc Trần Thức sau bức tượng silicon cực thực Đại tướng bên bàn làm việc hồi cuối tháng tư đã kịp “đổ” thêm một tác phẩm bán thân bằng đồng khá lớn, cũng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Chúng tôi làm việc với niềm tự hào Việt Nam. Chúng ta có văn hóa lịch sử lâu đời, có những con người nổi trội. Bản thân họ đã là những trang sử hào hùng, là niềm tin thúc đẩy cả thế hệ đi lên”.

Triển lãm Danh tướng Việt Nam: Nghệ thuật và tấm lòng ảnh 1

Người nước ngoài quan tâm lịch sử quân sự Việt Nam.

Mới và cũ

Có thể nói triển lãm Danh tướng Việt Nam là nơi mới cũ đan xen. Có ý tưởng gần đây còn là mới như bức tranh ghép bằng hàng ngàn que diêm của bà nội trợ Ngô Thị Thục.

Trước bà Thục kỳ công ghép chân dung tướng Giáp. Tác phẩm thành công với sự chú ý của dư luận. Lần này bà dùng tới 5 tháng với số lượng que diêm gấp ba lần trước để tạo nên bức tranh về tướng Nguyễn Chí Thanh kèm câu nói nổi tiếng “nắm thắt lưng địch mà đánh” của ông.

“Theo ký ức của tôi thì bức tượng này chỉ giống ông cụ nhà tôi bảy phần mười. Nhiều tượng khác các tướng khác giống như vậy. Bên điêu khắc họ dùng tư liệu ảnh, khắc họa giống tới từng hốc mắt, sống mũi. Nhưng chưa khắc họa được thần thái. Tuy nhiên, tôi cũng rất quý tinh thần về nguồn của các bạn trẻ. Mong được nhiều dịp như thế này”. 

Ông Nguyễn Anh Tường - Con trai tướng Nguyễn Chánh, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam (1957)

“Việc nhà bận nhưng tôi vẫn tranh thủ thời gian để làm” - bà Thục cho biết - “Làm từng mảnh nhỏ một sau đó ghép lại. Đây là tác phẩm thứ hai, có kinh nghiệm rồi nên tôi tự thấy đẹp hơn cái trước”.

Đẹp hơn nhưng rõ ràng hiệu ứng thu hút từ sự tò mò không còn. Một khách xem nhận xét: “Tấm lòng của tác giả rất đáng quý. Nhưng lần sau bà ấy nên thay đổi cách thể hiện”.

Triển lãm còn trưng bày tượng đồng của các vị tướng quân đội thời kỳ đầu. Các bức này “mượn” từ Bảo tàng Lịch sử Quân sự cho nên không mới song có tác dụng tạo ra hình dung về dòng chảy lịch sử quân đội.

Khách xem khá thích cách sắp đặt những con nghê chầu dưới chân hai danh tướng Trần Hưng Đạo và Quang Trung, chính giữa là mấy chiếc lư hương của người Việt. Theo ông Dương Trung Quốc thì đó thể hiện ý chí của người Việt, bài trừ linh vật ngoại lai.

Có nhiều người tấm tắc khen tác phẩm Tự hào Việt Nam của họa sĩ Đặng Xuân Hùng. Bức tranh chiến thắng Điện Biên được khắc trên vỏ quả đạn pháo 105 ly đã “nã vào đầu quân giặc” hồi 1954, đặt trước nền của chính bản in trên giấy một cách đầy sáng tạo.

Triển lãm Danh tướng Việt Nam mở từ 29/12/2014 đến 5/1/2015. Ngoài trưng bày tác phẩm, còn có các hoạt động bên lề như giao lưu với nghệ sĩ, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa và biểu diễn nghệ thuật.

MỚI - NÓNG