Lê Minh Thúy (lớp 12D1, THPT Chu Văn An) dù hơi tiếc vì 3 năm học phấn đấu để có được bằng tốt nghiệp THPT loại ưu, nhưng vẫn đồng tình với quyết định bỏ xếp loại của Bộ GD&ĐT. Theo Thúy, sẽ khó có tiêu chí hợp lý để xét học sinh tốt nghiệp được loại gì khi đề của kỳ thi quốc gia phục vụ song song 2 mục tiêu tốt nghiệp THPT và xét vào đại học.
Minh Thúy cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây còn mang tính hình thức vì coi thi lỏng, đề dễ và việc xếp loại bằng 50% dựa vào bài thi cuối nên đôi khi không công bằng và không đánh giá được hết năng lực của học sinh. "Có bạn 3 năm học rất tốt song vào ngày thi tốt nghiệp gặp vấn đề nào đó thì có thể nhận tấm bằng kém hơn bạn học không giỏi mà may mắn. Cầm tấm bằng kém dù ít, dù nhiều cũng gây tâm lý không tốt cho người nhận", Thúy chia sẻ.
Nguyễn Duy Kiên (lớp 11, THPT chuyên Hà Nội Amsterdam) cho rằng, bỏ xếp loại tốt nghiệp giúp học sinh có nhiều thời gian đầu tư cho môn thi đại học hoặc chuẩn bị hồ sơ du học. Điều đó đồng nghĩa với việc giảm áp lực phải học tốt nhiều môn.
Trước một số ý kiến cho rằng bỏ xếp loại tốt nghiệp THPT sẽ khiến học sinh mất động lực để phấn đấu học tập tốt thì Duy Nghĩa (lớp 12, Vĩnh Phúc) và Nguyễn Tuấn Anh lại quan niệm quan trọng nhất là đỗ đại học, bằng cấp 3 loại gì cũng được. Hai nam sinh này đã và đang chỉ tập trung cho các môn thi đại học.
Đứng ở góc độ người chỉ học hết THPT rồi cầm tấm bằng đi xin việc hoặc xin vào trường nghề, Tuấn Anh cho rằng ở thị trường lao động loại trung ấy, không quan trọng bằng cấp 3 phải đẹp mà chú trọng tay nghề hơn. "Nên áp dụng không xếp loại tốt nghiệp THPT vì tấm bằng ấy không có nhiều giá trị", Tuấn Anh nói.
Đồng tình với quan điểm bằng tốt nghiệp THPT hiện có giá trị xã hội rất thấp bởi làm gì mọi người cũng chuộng bằng cao đẳng, đại học hơn, tuy nhiên xét về góc độ học tập, thầy Tạ Quang Sum, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Cam Ranh, Khánh Hòa) cho rằng, vẫn nên xếp loại bằng tốt nghiệp.
"Bằng tốt nghiệp THPT là một văn bằng. Nếu ta bỏ xếp loại sẽ làm giảm giá trị của văn bằng ấy, đồng thời không tạo động lực học tập cho học sinh. Áp lực cũng là một dạng động lực tốt", thầy Sum nói.
Giải thích về việc không đánh giá tốt nghiệp cấp 3, Cục phó Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) Trần Văn Nghĩa cho biết, năm 2015 do kỳ thi tốt nghiệp THPT giải quyết hai nhiệm vụ xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng nên không thể lấy kết quả đó để xếp loại tốt nghiệp. Tuy nhiên, công công thức tính kết quả để xét tốt nghiệp sẽ không khác so với năm 2014, nghĩa là 4 môn thi tốt nghiệp chiếm 50% và kết quả học tập lớp 12 chiếm 50%.
Theo Quỳnh Trang