Quấy rối nhìn từ vụ ồn ào ở Nhã Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau vụ lùm xùm về quấy rối tình dục ở Nhã Nam, chắc hẳn nhiều doanh nghiệp cũng nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng một bộ quy tắc về ứng xử nội bộ và thường xuyên nâng cao nhận thức cho cán bộ nhân viên về quấy rối tình dục, không để đời sống riêng của cá nhân ảnh hưởng xấu tới tập thể và thương hiệu.

Vụ nguyên Tổng giám đốc Nhã Nam bị dính vào lùm xùm quấy rối nhân viên gây chú ý trước tiên do đặc thù thương hiệu gắn với văn hóa, tri thức… Những người làm ra nó bị mặc định là trí thức, hướng thiện phải là yếu tố căn bản.

Thứ hai, người bị tố đứng đầu một công ty tư nhân. Tức là “ông chủ” tối cao trong “đế chế” của mình. Vị trí này có thể sẽ gây bối rối cho nạn nhân nhiều hơn khi chưa biết tố cáo lên cấp nào cao hơn. Mặt khác chính người bị cáo buộc cũng gặp bất lợi khi chẳng có ai tư vấn, giám sát.

Trong lời xin lỗi có đoạn: “Tôi đã có một số hành động thể hiện sự quan tâm, quý mến đối với cô. Những hành động này không vượt quá các giới hạn đạo đức giữa con người với con người và nằm trong bối cảnh cụ thể. Nhưng điều tôi không lường được là vô tình gây bối rối, làm phiền, và có thể gây tổn thương với cô ấy…”.

Phải đến khi trí tuệ tập thể của Nhã Nam phát huy vai trò bằng một thông báo chính thức vụ việc mới được tạm thời dẹp yên, ít nhất về mặt truyền thông.

Tuy nhiên vẫn còn những quan điểm cực đoan từ phía độc giả khẳng định khi nào ông Nguyễn Nhật Anh vẫn giữ cổ phần công ty thì họ sẽ không mua sách Nhã Nam.

Bởi dù có mua những cuốn sách đầy lời hay ý đẹp đến đâu vẫn là làm giàu cho người chủ đó mà thôi. Lý lẽ này cũng khó bẻ chứ đùa!

Một điểm khác lạ nữa trong vụ này là nạn nhân không ra mặt và người ta cũng không rõ người đó bị quấy rối theo hình thức gì, mức độ xâm hại ra sao. Nhưng đương sự vẫn dễ dàng nhận được sự đồng cảm lớn từ công chúng, bởi có người đứng ra đại diện là tác giả Đặng Hoàng Giang với uy tín xã hội đã tạo dựng được.

Vụ việc như vậy cũng góp phần nâng cao nhận thức về quấy rối tình dục, đặc biệt trong môi trường công sở - nơi mà nếu chuyện này xảy ra, người đứng đầu cũng phải gián tiếp chịu trách nhiệm.

Thương hiệu Nhã Nam vẫn đang trong ngưỡng khủng hoảng. Các hiệu sách vắng khách hơn, một vài sự kiện phải hủy bỏ vì “những lý do không thể kiểm soát”.

Trên những bài đăng tại Fanpage Nhã Nam, lượng thả biểu tượng giận dữ vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo. Không phải họ có thù gì với nội dung bài mà đơn giản đang ghét thương hiệu.

Chưa biết tới đây Nhã Nam còn tiếp tục đưa ra phương thức gì để cứu vãn tình hình. Hoặc ai đó có khả năng mua lại thương hiệu này để “tẩy trắng” cho nó?

Một lưu ý trong bản hướng dẫn thực hành về Quấy rối tình dục trong truyền thông của tổ chức Phụ nữ và Báo chí (WAN-IFRA): “Thông thường nếu bạn thích người nào đó một cách say đắm, lãng mạn, bạn sẽ đối xử với họ bằng sự trân trọng và phẩm giá trong từng lời nói và hành động. Nếu ý của bạn là lãng mạn, thật lòng, nhưng thái độ, cách đối xử của bạn lại khiến người khác cảm thấy bị xúc phạm, làm nhục, thì vẫn là hành vi quấy rối”…

Bản hướng dẫn thực hành kể trên thực sự là cẩm nang hoặc sổ tay để giải quyết các vấn đề liên quan đến quấy rối tình dục nơi công sở.

MỚI - NÓNG