Tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Lâm từng xuất bản các tập truyện Con kiến tật nguyền, Tình yêu hàng chợ, tiểu thuyết Mong manh Bạch Dương... Ông phi lộ ngắn gọn trong lễ ra mắt sách chiều 20/5 về điều đặc biệt ở cuốn sách mới Dưới tán hoa siren.
Nhiều nhân vật trong truyện là người thân, bạn bè chung cuộc mưu sinh thời ở Nga hay những ngày bao cấp gian khó khi về nước. Mỗi câu chuyện đều là kỷ niệm của tác giả, bạn bè được ông kể với hoài niệm, sự trải nghiệm và góc nhìn dí dỏm.
Chưa vào lễ chính thức, ông hào hứng khoe với tôi rằng nhân vật Lê Xuân San chính là nhà báo Lê Xuân Sơn - nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong, người em thân thiết trong những năm tháng học tập ở Nga và cả sau này khi về nước.
![]() |
Tập truyện ngắn gắn với những kỷ niệm của tác giả và bạn bè đầy ắp chất liệu đời sống. |
Và khi có vài phút thưa đôi điều với hơn trăm bạn bè, người thân có mặt trong lễ ra mắt, ông thật thà gọi tên nhiều nhân vật khác như Lê Khắc Hưng yêu nhạc cổ điển (Chuyến buôn cuối cùng) là bạn học Lê Khắc Hùng, trưởng phòng Hoàn là ông Trần Viết Hoàn (Trưởng phòng chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh, sau là Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, là cận vệ của Bác Hồ) hay Huy của Chuyến bay nhớ đời chính là luật sư Trần Hữu Huỳnh - người viết lời tựa cho tập truyện...
16 truyện ngắn trongDưới tán hoa sirenlà những câu chuyện, cảnh huống có thực mà nhân vật Tâm chứng kiến, nếm trải. Như lời của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng dẫn dắt cuộc giao lưu ra mắt sách, độc giả thấy hình bóng tự sự của tác giả thông qua nhân vật Tâm. Nhân vật xuyên suốt trải qua bao thăng trầm, lên bờ xuống ruộng, nhiều trăn trở về tình đời, tình người.
![]() |
Nhà báo Lê Xuân Sơn trở thành nhân vật trong Dưới tán hoa siren. |
Nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng tâm đắc với lối viết ngắn của Nguyễn Đình Lâm, với cách tác giả “nắm lấy đời sống, đưa vào tác phẩm một cách ngắn nhất nhưng có sức lay động lớn nhất”.
PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật T.Ư - đọc tác phẩm để nhận thấy tác giả đưa đời sống của người lao động, người Việt xa xứ vào tác phẩm một cách chân thật, sinh động và tạo sự rung động.
![]() ![]() |
Đông đảo văn giới, bạn bè chung vui với tác giả Nguyễn Đình Lâm. |
Nguyễn Đình Lâm không “làm xiếc với ngôn từ”, ông kể và viết bằng sự chân thật, thẳng thắn. Nhà báo Lê Xuân Sơn nhận thấy điều này từ các tập Con kiến tật nguyền, Mong manh Bạch Dương... Những điều còn thô mộc được đưa vào ào ạt nay đã được Nguyễn Đình Lâm nghiền ngẫm, nhào nặn nhuần nhuyễn hơn trong Dưới tán hoa siren.
Thực tiễn cuộc sống phong phú, ngồn ngộn chảy tràn trong đời sống được chắt lọc hơn trong truyện của Nguyễn Đình Lâm. “Anh Lâm và bạn bè trải qua nhiều tình huống mà người ta nhìn vào cay đắng, không may nhưng bất chấp những bi kịch vẫn đọng lại tình người”, nhà báo Lê Xuân Sơn nêu.
Sự hóm hỉnh, tinh thần lạc quan của tác giả thể hiện trong hầu hết truyện ngắn, trở thành nét đáng yêu, lấp lánh ngay trong những cảnh huống trái ngang nhất như truyện Chuyến buôn cuối cùng, Chuyến bay nhớ đời, Chiếc xe đạp cũ...
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh “diễm phúc cá nhân” khi dự lễ ra mắt sách, để ông có dịp chứng kiến nhiều người còn yêu văn chương, nhiều người trở thành nhân vật của văn chương.
![]() ![]() |
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (trái) và Nguyễn Thế Kỷ nhắc đến những thân phận, cuộc sống của người Việt xa xứ được phản ánh sinh động trong tác phẩm của Nguyễn Đình Lâm. |
Đọc Dưới tán hoa siren khiến Nguyễn Quang Thiều biết thêm những thân phận mà ông chưa được gặp, chưa được biết đến. Ông tìm thấy sự đồng cảm khi đọc sách của Nguyễn Đình Lâm, thấm thía thêm sự bất trắc, tuyệt vọng, cuộc sống mưu sinh trong giá lạnh tuyết trắng viễn xứ, nỗi buồn dằng dặc nhớ quê nhà trước kia của người em trai, em dâu và cháu ruột trên đất Nga.
“Ông mang cả không gian rộng lớn của nước Nga, cộng đồng người Việt xa xứ, nhiều số phận vào tác phẩm. Ông mang thêm một vẻ đẹp, mang thêm nguồn động viên cho những kiếp người gian nan”, Nguyễn Quang Thiều nói.
Những người từng học tập, mưu sinh ở Nga hay ở ở những miền viễn xứ khác đều ít nhiều soi vào để thấy mình ở đó. Không chỉ đưa thực tiễn sinh động vào truyện, tác giả Nguyễn Đình Lâm như lời nhà báo Lê Xuân Sơn nhận xét đã chọn lối viết đánh thẳng vào bạn đọc bận rộn nhờ "dung lượng truyện ngắn, câu chữ ngắn, tít ngắn và dễ đọc, truyện này gọi truyện kia đầy hấp dẫn".
TS. Nguyễn Đình Lâm quê Nam Đàn, Nghệ An là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga.