Khó chấp nhận lời xin lỗi
Bài đăng của ông Nguyễn Nhật Anh - Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam - trên trang Facebook chính thức của nhà sách Nhã Nam vào rạng sáng 18/4 thu về hơn 20.000 lượt tương tác.
Lý do xin lỗi được đưa ra là ông Nhật Anh có "một số hành động thể hiện sự quan tâm, quý mến đối với nữ nhân viên". "Nhưng điều tôi không lường được là vô tình gây bối rối, làm phiền, và có thể gây tổn thương với cô ấy. Tôi cũng muốn xin lỗi đồng nghiệp, bạn bè, các đối tác thân thiết, các độc giả yêu sách Nhã Nam vì đã bị làm phiền bởi rất nhiều tin đồn sai lệch trên mạng về câu chuyện trên...", Giám đốc Nhã Nam viết.
Từ ngày 13, 14/4, vụ ồn ào của ông Nguyễn Nhật Anh với nhân viên nữ gây xôn xao mạng xã hội, không riêng nền tảng Facebook. Tuy nhiên, khi đó người trong cuộc chưa chính thức lên tiếng.
Ông Nguyễn Nhật Anh có nhiều năm làm dịch giả, biên tập viên. |
Sự việc khiến nhà sách Nhã Nam tổn thất lớn, bị một số tác giả ngừng hợp tác, độc giả tẩy chay.
Tối 17/4, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng thông báo ngưng hợp tác với Nhã Nam, đề nghị công ty phải lên tiếng về sự việc.
"Là một người cũ của Nhã Nam, tôi không bàng quan trước cơn bão dư luận xung quanh cáo buộc quấy rối tình dục liên quan đến lãnh đạo của công ty. Đây cố nhiên là một cáo buộc nghiêm trọng, nên tôi hiểu mọi người trong công ty, cũng như đông đảo người đọc, cộng tác viên của công ty đang lâm vào tình trạng hoang mang như thế nào. Trong tình huống này, hơn lúc nào hết, cần những tiếng nói đĩnh đạc, điềm tĩnh, có trách nhiệm, công tâm. Cần một sự trả lời. Cần một sự đối thoại, một cuộc đối chất. Song, Nhã Nam hình như không nghĩ vậy....", dịch giả Cao Đăng nói.
Ông cho rằng phía Nhã Nam lẽ ra và nhất thiết nên hành động theo một cách khác để cứu vãn uy tín của công ty trước đông đảo người đọc, đối tác, cộng tác viên...
Trước đó, hôm 16/4, tác giả Đặng Hoàng Giang cũng thông báo chấm dứt làm việc với đơn vị này. Quyết định được đưa ra không liên quan đến bất đồng về tài chính hay quá trình in ấn, phát hành sách giữa ông và Nhã Nam.
Một số tác giả dừng hợp tác với Nhã Nam sau vụ ồn ào. |
Tác giả Hương Đỗ cũng lên tiếng: "Vậy là sự việc đã được xác nhận (dù dưới hình thức biến tấu một cách khó chấp nhận). Tôi xin phép ngừng giới thiệu mọi đầu sách (bao gồm sách làm cha mẹ và sách thiếu nhi) của Nhã Nam kể từ bây giờ. Thật tiếc cho một đơn vị phát hành đã từng có nhiều đầu sách ý nghĩa".
Độc giả buồn và tiếc
Phía dưới các bài đăng Facebook của nhà sách Nhã Nam, nhiều độc giả yêu cầu sự lên tiếng có trách nhiệm hơn.
Một số người cho rằng Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam nên đăng bài xin lỗi trên trang cá nhân trước, sau đó phía nhà sách có phát ngôn chính thức về vụ việc.
Nhiều độc giả trung thành, yêu mến Nhã Nam vì các ấn phẩm chỉn chu, đẹp mắt, không gian bán sách cũng rất sinh động. |
"Lời xin lỗi của giám đốc có vấn đề. Vì sao phải xin lỗi lúc nửa đêm nửa hôm, tại sao dùng tài khoản mạng xã hội của cả công ty, nhà sách để lên một bài đăng xin lỗi cũng như không?", "Buồn và tiếc cho Nhã Nam. Tôi từng rất thích Nhã Nam và sách Nhã Nam. Từ các nội dung truyền thông, tư vấn đều chu đáo, ấn phẩm chỉn chu. Rất buồn khi Nhã Nam đã khóa phần bình luận bài viết xin lỗi, như chưa hề có việc gì", "Mua bán sách giả là giết chết sách thật, vậy thì im lặng và trốn tránh cũng là giết chết niềm tin của độc giả"... một số người dùng mạng xã hội bình luận.
Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hóa và xuất bản phẩm có tuổi đời gần 20 năm. Tác phẩm nổi bật đầu tiên của Nhã Nam là Nhật ký Đặng Thùy Trâm (2005, NXB Hội Nhà văn Việt Nam).
Năm 2016, Nhã Nam nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho tập thể đạt thành tích xuất sắc phong trào thi đua trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành.